FAO: Thị trường tôm thế giới nửa đầu năm 2021, dự báo

(vasep.com.vn) Theo báo cáo của FAO, nguồn cung tôm nuôi thế giới vẫn ổn định trong nửa đầu năm 2021. Trong khi nhu cầu tôm chững lại ở Trung Quốc thì nhu cầu lại tăng mạnh ở các thị trường phương tây. Nhờ sản lượng ổn định và các cơ sở chế biến XK được cải thiện, Ecuador tăng XK tôm sang các thị trường hiện có và các thị trường mới nổi. Ngành tôm Ấn Độ tiếp tục phải đối mặt với khủng hoảng Covid-19 và toàn chuỗi nguồn cung bị ảnh hưởng. Trong khi, Việt Nam và Indonesia vẫn duy trì XK ổn định nhờ nguồn cung và sản xuất hàng giá trị gia tăng ổn định.

Chú thích ảnh

Sản lượng tôm nuôi vẫn ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu thế giới trong nửa đầu năm nay. Với nguồn cung tăng, Ecuador vẫn là nước sản xuất tôm nuôi lớn nhất. Việt Nam và Indonesia tăng cả sản lượng và XK. Sản lượng tôm của Ấn Độ trong 4 tháng đầu năm được cải thiện, tuy nhiên trong tháng 5, khu vực miền nam nước này phải thu hoạch khẩn cấp do lo ngại gián đoạn chuỗi nguồn cung vì dịch Covid diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, bão Yaas cũng phá hủy vụ tôm đầu năm tại khu vực phía đông nước này (Tây Bengal). Người nuôi tôm Ấn Độ thường sản xuất tôm cỡ lớn trong khi nhu cầu thị trường, nhất là Mỹ và Trung Quốc yêu cầu tôm cỡ trung bình, dẫn tới mất cân bằng trong chế biến XK. Ngành tôm Ấn Độ cũng bị ảnh hưởng bởi thiếu lao động lành nghề trong lĩnh vực chế biến do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Tại Argentina, khai thác tôm đạt sản lượng tốt trong nửa đầu năm nay, nhất là các cỡ 20/30 và 30/40. Tại vịnh Gulf of Mexico, sản lượng khai thác vẫn thấp trong nửa đầu năm nay.

Xuất khẩu

Top các nước XK tôm lớn nhất gồm Ecuador, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Trung Quốc, Thái Lan và Argentina. So với cùng kỳ năm trước, XK của tất cả các nguồn cung này đều tăng trừ Thái Lan. Ecuador tiếp tục là nước XK tôm lớn nhất nhờ tăng sản lượng hàng giá trị gia tăng nhờ đầu tư công nghệ mới và tăng năng lực sản xuất. Tuy nhiên, XK tôm của Ecuador sang Trung Quốc giảm do Trung Quốc tạm thời cấm NK từ một số công ty tôm lớn của Ecuador. Mỹ là thị trường NK tôm lớn thứ hai của Ecuador, chiếm tỷ trọng 23% tổng XK tôm của Ecuador (tăng từ 15,4% của cùng kỳ năm trước đó). XK tôm Ecuador sang các thị trường như EU, Trung Đông và phía đông châu Á (trừ Trung Quốc) cũng ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số trong nửa đầu năm nay. Ấn Độ cũng tăng trưởng XK trong giai đoạn này tuy nhiên XK tôm Ấn Độ sang Mỹ, EU và Trung Quốc đều giảm.

XK tôm của Việt Nam và Indonesia cũng tăng nhờ tăng doanh số XK hàng chế biến và sơ chế. XK của châu Á trong giai đoạn này phải đối mặt với thiếu container lạnh do các thủ tục kiểm tra y tế mất thời gian tại các nước NK, nhất là Trung Quốc. Việc thiếu hụt container tại châu Á cũng khiến chi phí vận tải tăng tới 1000%, nhất là với những chuyến hàng liên lục địa. XK tôm của Argentina cũng tăng với giá cao và sản lượng tốt, nhu cầu cao từ châu Âu và Nhật Bản. Giá tôm cỡ lớn và nhỏ của Argentina tăng.

Nhập khẩu

Cùng với việc các dịch vụ HORECA từng bước mở cửa, nhu cầu NK tôm của EU và Mỹ và một số thị trường phương tây khá tích cực. Tuy nhiên, NK của một số thị trường giảm như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hong Kong, Macao, Malaysia, Singapore, Australia và New Zealand. Nhu cầu vẫn yếu ở các thị trường như Trung Đông như UAE, Ả Rập Saudi và một số thị trường nhỏ ở khu vực Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC).

EU

Nhu cầu NK của các thị trường châu Âu phục hồi nửa đầu năm nay do tiêm vaccine được đẩy nhanh, nhà hàng mở cửa trở lại. 80% lượng tôm NK của EU đến từ các nước ngoài khối với các nguồn cung chính như Ecuador, Ấn Độ, Greenland, Argentina, và Việt Nam. NK của các thị trường chính trong khối đều tăng như Tây Ban Nha, Pháp, Đan Mạch, Hà Lan. NK của các thị trường nằm ngoài khối như Nga, Anh tăng. Nguồn cung tôm đông lạnh bị hạn chế tại EU do nguồn cung từ Ấn Độ giảm vì ảnh hưởng của Covid và thiếu container. Tuy nhiên, EU vẫn tăng NK từ Ecuador trong khi nhu cầu NK từ Mỹ rất mạnh và nguồn cung tôm trên thị trường thấp. Nhu cầu tôm Argentina vẫn cao với giá tăng trên thị trường EU. Nhu cầu du lịch tại EU dự kiến phục hồi, nhất là tại khu vực phía Nam châu Âu.

Mỹ

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid, nhu cầu tôm, nhất là tôm chế biến, giá trị gia tăng (như tôm thịt, tôm bao bột) tại Mỹ tăng mạnh. Người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn tôm vì dễ chế biến tại nhà. Nửa đầu năm nay, Mỹ tăng NK từ Ecuador, Indonesia, Việt Nam trong khi NK từ Ấn Độ giảm nhẹ.

Đối với Ecuador, vị trí gần Mỹ là một lợi thế lớn so với các nhà cung cấp châu Á. Thời gian vận chuyển từ Ecuador đến các cảng của Mỹ là khoảng 7 ngày so với 30-40 ngày đối với hàng hóa từ châu Á.

Dịch Covid-19 đã và sẽ còn gây ra những ảnh hưởng lớn cho sản xuất và XK tôm tại các nước Đông Nam Á trong năm 2021 như thiếu container, cước phí vận tải tăng, tắc hàng tại cảng. Nguồn cung tôm từ châu Á sang EU và Mỹ có thể không đồng đều do ảnh hưởng của Covid-19 ở hầu hết các nước sản xuất. Điều này tạo cơ hội tăng doanh thu cho Ecuador tại Mỹ và EU vì XK tôm Ecuador sang Trung Quốc giảm.

Nhu cầu NK của thị trường EU và Mỹ vẫn tốt cho tới hết năm nay. Nguồn cung tôm cả trong nước và ngoài nước cho thị trường Mỹ đều thấp trong khi nhu cầu bán lẻ vẫn tốt, kinh doanh nhà hàng cải thiện, kinh tế Mỹ khả quan với số việc làm và thu nhập tăng. Nhu cầu NK của Trung Quốc vẫn thấp trong năm nay.

 

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục