Hiện nay, câu chuyện Ethoxyquin vẫn đang rất “nóng” bởi từ ngày 1/4/2020, EU sẽ cấm dùng Ethoxyquin trong thức ăn và nguyên liệu thức ăn cho các loại vật nuôi, trong đó có thủy sản. Quy định EU đưa ra sẽ là một “hàng rào” ngăn sản phẩm thủy sản Việt Nam vào châu Âu. Trước tình hình đó, Grobest Việt Nam - một trong những doanh nghiệp sản xuất thức ăn tôm hàng đầu tại Việt Nam đã và đang có những giải pháp hữu ích để đồng hành cùng người nuôi tôm.
Ethoxyquin là gì?
Thức ăn thủy sản do có hàm lượng chất béo cao và thành phần của chất béo chứa nhiều acid béo không no nên dễ bị ôxy hóa trong quá trình chế biến và bảo quản. Khi bị ôxy hóa, thức ăn sẽ có mùi ôi và mất đi các acid béo thiết yếu, các vitamin tan trong dầu như A, D, E, carotenoids bị phá hủy làm giá trị dinh dưỡng của thức ăn bị giảm. Do đó, việc bổ sung chất chống ôxy hóa trong thức ăn thủy sản là cần thiết. Chất chống ôxy hóa phải đảm bảo dễ tiêu hóa, không độc đối với vật nuôi, người tiêu dùng và có giá thành rẻ.
Phát hiện vào thập niên 1950, Ethoxyquin (tên thương mại là santoquin, santoflex, EQ) được sử dụng như một loại chống ôxy hóa chất béo, chất bảo quản trong thức ăn chăn nuôi nhằm bảo vệ lipid và làm tăng tính ổn định các vitamin tan trong dầu, đặc biệt là Vitamin A và Caroten để đảm bảo chất lượng của thức ăn chăn nuôi. Ethoxyquin ngăn ngừa quá trình tự cháy của các thức ăn bảo quản trong kho do ức chế sự sinh sản nhiệt gây ra bởi quá trình ôxy hóa lipid. Ethoxyquin có hoạt tính giúp các sản phẩm trái cây sau thu hoạch hạn chế quá trình mất mát hàm lượng carotenoid và Vitamin E. Ngoài ra, Ethoxyquin còn được sử dụng với mục đích bảo quản màu trong sản xuất bột ớt, chất ổn định chống phân hủy trong sản xuất cao su; chống xuất hiện các đám màu nâu của táo và lê sau thu hoạch…
Ethoxyquin đã có sẵn trong nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn, nhất là bột cá nhập khẩu từ Peru, Chilê… bởi đây là chất giúp chống ôxy hóa trong quá trình vận chuyển. Trong bột cá nhập khẩu, dư lượng Ethoxyquin thường ở mức 20 - 30 ppm. Như vậy, nếu sử dụng các nguyên liệu đã chứa Ethoxyquin này để hỗn hợp thành thức ăn nuôi tôm, cá thì trong thức ăn cho tôm, cá sẽ chứa một lượng nhất định Ethoxyquin đã có sẵn từ nguyên liệu. Do Việt Nam chỉ chiếm một lượng nhỏ bột cá xuất khẩu của Peru và Chilê, nên các doanh nghiệp thức ăn Việt Nam khó có thể yêu cầu các nhà cung cấp bột cá từ những nước nói trên đảm bảo yêu cầu không có Ethoxyquin trong bột cá bán cho Việt Nam.
EU thị trường quan trọng
Ethoxyquin không phải là vấn đề mới. Còn nhớ năm 2012, Nhật Bản đã tiến hành kiểm tra dư lượng Ethoxyquin trong thủy sản nhập khẩu, đặc biệt là tôm, với quy định về ngưỡng giới hạn cho phép Ethoxyquin trong sản phẩm thủy sản là 0,01 ppm. Sau đó, từ các kiến nghị của Việt Nam, đến 21/1/2014, Nhật Bản đã tăng ngưỡng cho phép với Ethoxyquin trong sản phẩm tôm lên 0,2 ppm. Sau Nhật Bản, Hàn Quốc cũng tiến hành kiểm soát Ethoxyquin từ năm 2013 đối với tôm đông lạnh nhập khẩu, ngưỡng giới hạn cho phép là 0,01ppm.
Ở Mỹ, từ năm 1997, FDA đã bắt đầu khuyến cáo sử dụng Ethoxyquin từ 150 ppm xuống 75 ppm trong thức ăn thủy sản và bắt buộc tối đa 0,5 ppm trong sản phẩm động vật và thủy sản chưa nấu chín. Theo các nhà nghiên cứu Mỹ, đến nay, ngưỡng cho phép này vẫn tương đối an toàn với người tiêu dùng.
Ở Việt Nam, không cấm sử dụng Ethoxyquin trong sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản, với ngưỡng giới hạn cho phép trong thức ăn thủy sản là 150 ppm.
Tuy nhiên, quy định của EU khác với quy định của các thị trường khác về Ethoxyquin trong thủy sản. Chẳng hạn, trong khi Nhật Bản, Hàn Quốc chỉ kiểm tra dư lượng Ethoxyquin trên sản phẩm thủy sản nhập khẩu, thì EU lại cấm sử dụng Ethoxyquin trong thức ăn chăn nuôi. Điều này đồng nghĩa với việc, EU không chấp nhận các sản phẩm chăn nuôi, thủy sản nhập khẩu có dư lượng Ethoxyquin, dù là ở hàm lượng rất thấp. Đây chính là nỗi lo lớn đối với ngành thủy sản cũng như từng doanh nghiệp. Bởi theo số liệu thống kê từ VASEP, EU đang là thị trường lớn và có tính định hướng của thủy sản Việt Nam.
Năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 8,6 tỷ USD; trong đó Mỹ là thị trường lớn nhất với giá trị nhập khẩu đạt 1,47 tỷ USD; Nhật Bản đứng thứ 2 với giá trị đạt 1,46 tỷ USD; Trung Quốc và Hồng Kông đứng thứ 3 với giá trị đạt 1,42 tỷ USD và EU đứng thứ 4 với giá trị đạt gần 1,3 tỷ USD.
Giải pháp hữu ích từ Grobest
Tập đoàn Grobest có mặt ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt có nhà máy ở tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tại mỗi nước, Tập đoàn đều có những nghiên cứu cơ bản về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, con giống, tập quán, thị trường… để điều chỉnh thành phần thức ăn sao cho người nuôi trồng đạt hiệu quả cao nhất.
Ngoài ra tại Grobest Việt Nam còn áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc vào sản xuất. Điều này giúp hoàn toàn khống chế và kiểm soát chất lượng một cách tuyệt đối. Nhờ vậy, nhiều năm liền sản phẩm của Grobest được người tiêu dùng bình chọn là “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, hay “Chất lượng Vàng thủy sản Việt Nam” do Bộ NN&PTNT trao tặng…
Một yếu tố khác rất quan trọng đối với người nuôi tôm Việt Nam khi chọn dùng sản phẩm thức ăn tôm Grobest, là Grobest có một đội ngũ kỹ sư trẻ có mặt khắp các vùng nuôi tôm trên cả nước. Đội ngũ này làm công tác tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật cho người nuôi với tinh thần trách nhiệm cao nhất, được bà con tín nhiệm. Có lẽ chính vì điều đó nên đến nay Grobest đã khẳng định được thương hiệu và vị trí của mình trên thị trường thức ăn tôm tại Việt Nam khi chiếm gần 40% thị phần.
Trao đổi với chúng tôi về giải pháp “ứng phó” với yêu cầu khắt khe về Ethoxyquin của thị trường EU, một lãnh đạo Grobest Việt Nam cho biết: “Grobest đã tiến hành nghiên cứu tìm ra chất thay thế. Với lợi thế là Tập đoàn hàng đầu khu vực về thức ăn thủy sản, chúng tôi có đội ngũ các chuyên gia, các nhà khoa học chuyên về dinh dưỡng thức ăn thủy sản… Công ty đã cho ra đời được dòng sản phẩm “Thức ăn xanh - Grobest Green” thay thế chất bảo quản khác trong bột cá có khả năng loại bỏ được Ethoxyquin ra khỏi tôm thịt nếu nông dân dùng sản phẩm này trong 7 ngày cuối cùng của quá trình nuôi, tôm thu hoạch sẽ hoàn toàn không bị nhiễm Ethoxquin, phù hợp với yêu cầu xuất xuất khẩu đi châu Âu…”.
“Sản phẩm đã được Bộ NN&PTNT Việt Nam chứng nhận và cho phép lưu hành rộng rãi. Grobest vẫn luôn luôn sát cánh cùng người nuôi, để đảm bảo sự an toàn trong sản phẩm và lợi ích của bà con”, vị này cho biết thêm.
Phương Ngọc