(vasep.com.vn) Theo dữ liệu của Viện Thủy sản quốc gia Mỹ, ngay cả khi đại dịch COVID-19 làm ngưng trệ hoạt động của các thị trường, buộc các nhà hàng phải đóng cửa và thay đổi cách thức hoạt động của xã hội, ngành thủy sản Mỹ vẫn đạt lợi nhuận đáng kể, tăng trưởng 7% trong năm 2020, với mức lợi nhuận 800 triệu USD. Doanh thu thủy sản trong năm 2020 đạt 12,6 tỷ USD, trong đó lĩnh vực bán lẻ là yếu tố chính góp phần tạo tăng trưởng. Một số loại thủy sản có doanh thu bán hàng tăng vọt, trong đó doanh thu từ cua và tôm hùm đều tăng 87%.
Doanh số bán lẻ thủy sản có vỏ đông lạnh tăng 40% so với cùng kỳ năm 2019, từ mức hơn 3,6 tỷ USD lên 5 tỷ USD. Doanh số bán cá vây đông lạnh tăng 33% từ 2,2 tỷ USD lên 3 tỷ USD. Kết hợp, doanh số bán lẻ thủy sản có vỏ và cá vây đông lạnh tăng 37%, từ mức 5,8 tỷ USD lên hơn 8 tỷ USD.
Các mặt hàng cao cấp hơn có mức tăng trưởng mạnh. Ngoài tôm hùm và cua có mức tăng 87%, doanh số bán sò điệp tăng 64%, cá nục heo tăng 56%, cá chẽm tăng 70%, cá vược tăng 114%, và cá bơn tăng 52%.
Tuy nhiên, không chỉ các mặt hàng thủy sản cao cấp đạt mức tăng trưởng mạnh. Cá rô phi cũng tăng trưởng 25% sau nhiều năm sụt giảm. Nhìn chung, thủy sản đông lạnh có mức tăng trưởng mạnh trong hoạt động bán lẻ, với hầu hết khoảng thời gian 4 tuần/lần, lượng bán ra lớn hơn nhiều so với thời kỳ cao điểm trong những năm trước. Dữ liệu của Nielsen chỉ ra rằng thủy sản đông lạnh đạt doanh thu trung bình 534 triệu USD trong mỗi khoảng thời gian 4 tuần sau khi đợt phong tỏa đầu tiên ở Mỹ, mức trung bình đó cao hơn cả mức tăng đột biến doanh số lớn nhất trong năm 2019. Doanh số bán hàng tăng xảy ra ngay sau đợt phong tỏa đầu tiên với doanh số bán hàng thủy sản trong khoảng thời gian 4 tuần đạt tổng cộng khoảng 650 triệu USD vào tháng 3/2020.
Doanh số bán tôm trong lĩnh vực bán lẻ cũng tăng so với cùng kỳ. Tôm đông lạnh tăng 35%, từ 3,1 tỷ USD lên 4,2 tỷ USD. Trong thời gian 4 tuần, doanh số bán tôm cũng tăng mạnh sau các đợt phong tỏa. Doanh thu trung bình của tôm trong 4 tuần vào năm 2020 là 288 triệu USD. Mức trung bình này cũng cao hơn so với hầu hết doanh số bán hàng cao điểm trong năm 2019.
Tuy nhiên doanh số của lĩnh vực dịch vụ ăn uống lại không khả quan như vậy. Doanh số bán cá và thủy sản có vỏ trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống giảm đáng kể. Năm 2019, doanh thu bán lẻ thủy sản và dịch vụ ăn uống đều chiếm gần 50% tổng doanh thu. Tuy nhiên, trong năm 2020, doanh số bán lẻ chiếm 64% doanh thu từ thủy sản có vỏ và cá vây đông lạnh, trong khi dịch vụ thực phẩm chỉ chiếm 36%.
Doanh số trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống của thủy sản có vỏ đông lạnh giảm 20%, giảm 559 triệu USD so với tổng doanh thu trong năm 2019. Cá vây đông lạnh thậm chí còn giảm mạnh hơn, giảm 26%, giảm khoảng 593 triệu USD. Nhìn chung, doanh số trong lĩnh vực dịch vụ thực phẩm của thủy sản có vỏ và cá vây đông lạnh đã giảm 1,39 tỷ USD trong năm 2020 so với năm 2019, giảm 24%.
Theo dữ liệu, các doanh nghiệp dịch vụ ăn uống kinh doanh nhà nghỉ và sòng bạc giảm mạnh nhất 50%. Các trường cao đẳng và đại học cũng giảm 44% và dịch vụ ăn uống dành cho doanh nghiệp và công nghiệp giảm 43%.
Riêng đối với thủy sản, thiệt hại thậm chí còn tồi tệ hơn mức trung bình. Kinh doanh nhà nghỉ và sòng bạc giảm 54%, cao đẳng và đại học giảm 49%, và kinh doanh lĩnh vực công nghiệp và kinh doanh giảm 47%. Tuy nhiên, không phải tất cả thủy sản trong lĩnh vực này đều bị ảnh hưởng. Một số phân khúc, chẳng hạn như thủy sản phục vụ nhanh, đã ghi nhận mức tăng trưởng. Thủy sản phục vụ nhanh tăng 19% và chuỗi cửa hàng bán bánh mì kẹp thịt phục vụ nhanh có doanh số bán thủy sản tăng 11%. Mức tăng lớn nhất là du lịch bằng thuyền (cuisine) toàn cầu, với mức tăng trưởng doanh thu 22%.
Nhìn chung, ngành dịch vụ ăn uống đã bị ảnh hưởng nặng nề, với hàng nghìn nhà hàng trên toàn quốc phải đóng cửa. Tuy nhiên, Seidel dự đoán rằng một khi mọi thứ trở lại trạng thái bình thường, dịch vụ ăn uống sẽ trở lại mạnh mẽ.
(Theo seafoodsource.com)