Hiện nay, những nơi đang áp dụng Chỉ thị 16, ngư dân vẫn không được ra khơi đánh bắt thủy sản, trong khi cuộc sống của họ gặp muôn vàn khó khăn. Bình Thuận đang xem xét cho ngư dân “vùng đỏ” ra khơi.
Sáng nay (9/9), khi nghe thông tin TP.Phan Thiết (Bình Thuận) chuyển sang thực hiện Chỉ thị 15, nghĩ rằng ngư dân sẽ được đi biển nên ông Lê Quang Hà, chủ ghe kiêm tài công tàu cá BTh-98773, ở KP.5, P.Phú Tài (TP.Phan Thiết) mang hồ sơ của 7 lao động (có kết quả xét nghiệm âm tính) lên phường xin giấy ra khơi. “Nhưng khi ra cửa biển thì bộ đội biên phòng không cho đi. Họ nói phường tôi (P.Phú Tài) vẫn áp dụng Chỉ thị 16, nên không được đi. Không cho đi làm thì lấy đâu ra tiền để ăn, trả nợ ngân hàng. Đâu chỉ mình gia đình tôi, mà còn nhiều ngư dân đi biển chung trên tàu cá của tôi nữa”, ông Hà buồn rầu nói.
Khó nhất là "điểm nóng" La Gi
Tương tự, ông Huỳnh Ngọc Luận, ngụ KP.2, P.Tân An (TX.La Gi) cho biết, gia đình ông có 2 tàu giã cào, loại tàu dài hơn 15m và dưới 24 m đang neo đậu tại cảng cá La Gi. Nhưng hiện nay TX.La Gi đang áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 nghiêm ngặt, nên tàu cá phải nằm bờ 2 tháng nay không ra biển được.
“Biết bao nhiêu lao động mất việc làm, mất thu nhập vì tàu cá không hoạt động, rất khó khăn”, ông Luận cho biết.
Theo ông Luận, ngay cả việc xin qua chốt để xuống tàu cá bơm nước ra khỏi phương tiện cũng đã khó khăn. “Nếu xuống tàu phải ở luôn, không được về nhà. Nếu về thì phải cách ly tập trung 14 ngày, nên ít ai xuống tàu cá, bỏ liều luôn con tàu dưới cửa cảng”, ông Luận nói.
Theo ông Luận, đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến hôm 28.8 có cơn lũ lớn khiến gần 100 tàu cá bị cuốn trôi và chìm, khiến ngư dân La Gi thiệt hại hơn 10 tỉ đồng.
“Hiện nay ngư dân chúng tôi còn gặp khó khăn khác là chợ thu mua cá không hoạt động. Hôm trước có tàu đi biển về bán không được cá do dịch Covid-19 không có người thu mua. Mà có bán thì chủ vựa ép giá, đáng mười đồng, họ chỉ mua 5 đồng vì họ đóng đông chứ có bán được đi đâu”, ông Luận nói.
Từ những khó khăn trên, ngư dân này đề nghị: “Những vùng an toàn, đảm bảo không lây lan dịch bệnh, Nhà nước cần có chính sách giúp đỡ chúng tôi đi biển và tiêu thụ hải sản, nếu không thì khó khăn chồng chất khó khăn lúc này”.
Chỉ còn 1 tháng nữa hết mùa cá nam
Ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Bích Thanh, chuyên thu mua cá ở cảng cá Phan Thiết cho biết, mùa cá nam chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là hết. Sang mùa bấc, biển động dữ dội, tàu cá lại nằm bờ mấy tháng trời. Nếu không có chính sách tháo gỡ cho ngư dân đi biển, nhất là tàu cá dưới 15 m thì “làm khó ngư dân quá”.
“Ngư dân chỉ dựa vào mùa cá nam này. Nay không cho ra khơi, hoặc cho ra nhưng phải biết bao thủ tục thì tiền đâu lo kinh tế gia đình, ngân hàng, rồi con cái vào mùa đi học”, ông Thanh nói.
Theo ông Thanh, hiện nay một số bạn hàng của ông bị vướng về thủ tục như phải xét nghiệm có kết quả âm tính, phải kiểm định lại tàu cá, sổ hành trình lại hết hạn. “Do suốt thời gian qua dịch Covid-19, không đi kiểm định tàu, làm sổ hành trình được, nên sắp tới còn nhiều tàu cá phải nằm bờ vì thủ tục”, ông Thanh phản ánh.
Bí thư Thị ủy TX.La Gi Phạm Văn Nam cho biết nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngư dân, thị xã có kiến nghị tỉnh cho tàu cá có gắn thiết bị giám sát hành trình được ra biển đánh bắt thủy sản, trên cơ sở đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Trong khi đó, trao đổi với PV Thanh Niên ngày 9.9, một lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận cho biết đã thống nhất chủ trương cho tàu cá ra khơi nhưng phải xây dựng kế hoạch, đảm bảo các tiêu chí về phòng chống dịch Covid-19 theo phương châm mỗi con tàu là một cơ sở sản xuất và tuân thủ phương án “1 con đường 2 điểm đến” để phòng chống dịch Covid-19. Tỉnh đã giao Sở NN-PTNT, Sở Y tế và Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng có hướng dẫn và cho ngư dân ký cam kết đảm bảo nguyên tắc phòng chống dịch khi đi biển.
Theo thống kê của Sở NN-PTNT Bình Thuận, tỉnh hiện có 11.237 tàu cá, trong đó có khoảng 4.000 tàu nhỏ là phương tiện kiếm sống của ngư dân, nhất là các xã bãi ngang, đảo nhỏ. Mùa cá nam năm nay thời tiết thuận lợi, nhưng lại là cao điểm của mùa dịch Covid-19. Hai địa phương có số lượng tàu cá lớn nhất của tỉnh là TX.La Gi và TP.Phan Thiết lại áp dụng Chỉ thị 16. Do vậy, có khoảng 3.200 tàu cá/12.600 lao động biển ngừng hoạt động.
Ngoài ra, khoảng 85% tàu hậu cần của đảo Phú Quý không vào được cảng cá Phan Thiết để bốc dỡ sản phẩm. Lượng hải sản khai thác trong tháng 8 chỉ đạt khoảng 14.500 tấn, giảm khoảng 40% so cùng kỳ năm trước. Về tiêu thụ sản phẩm, cảng Phú Hài và cảng Phan Thiết thời gian áp dụng Chỉ thị 16 cấm tàu cá nơi khác cập cảng bán hàng. Riêng cảng cá TX.La Gi ngừng hoạt động hẳn. Điều này gây khó khăn rất lớn trong việc tiêu thụ hải sản của bà con ngư dân.
Trong khi đó, giá thu mua hải sản giảm sâu do việc vận chuyển gặp khó khăn và thiếu kho lạnh. Tại cảng cá Phan Thiết, giá mực trứng tươi (đầu tháng 9) từ 150.000 xuống còn 90.000, mực nang từ 100.000 xuống còn 80.000; cá mú từ 140.000 xuống còn 80.000; cá ngừ từ 80.000 xuống còn 40.000; cá mó 40.000 xuống 20.000, cá nục còn 30.000 đồng.
|
(Theo báo Thanh Niên)