Theo Thương vụ Việt Nam tại Israel, trong nửa đầu năm nay, khoảng cách nhập siêu từ Israel đã được thu hẹp dần và giảm xuống chỉ còn 69,6 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2020.
Giảm nhập siêu
Thương vụ Việt Nam tại Israel cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Israel đạt 791,0 triệu USD. Trong khi, xuất khẩu sang Israel giảm 11,0% thì nhập khẩu từ thị trường này tăng 391,6% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch nhập khẩu tăng chủ yếu do Việt Nam nhập khẩu các nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện từ Israel với trị giá lớn trong những tháng đầu năm nay. Mặc dù vậy, khoảng cách nhập siêu từ Israel đã được thu hẹp dần và giảm xuống chỉ còn 69,6 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2020.
Lý giải thêm về điều này, Thương vụ Việt Nam tại Israel cho biết: trong 6 tháng đầu năm nay, ngoại trừ xuất khẩu mặt hàng dệt may tăng mạnh, còn lại hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Israel đều giảm so với cùng kỳ năm trước như thủy sản, giày dép các loại, hạt điều, cà phê, điện thoại di động. Đây cũng là tình trạng và bối cảnh chung, thị trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi đại dịch Covid-19 xảy ra tại nhiều nước trên thế giới.
Về nhập khẩu, các mặt hàng như máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, rau củ quả đều giảm, trong khi mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện tăng mạnh và làm cho Việt Nam nhập siêu từ Israel với trị giá 69,6 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2020.
Thực tế, nền kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, trao đổi thương mại quốc tế của Israel bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 trong nửa đầu năm nay. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp Israel cho biết đang quan tâm tới nhập khẩu các mặt hàng thuộc nhóm lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng gia dụng, thiết bị và dụng cụ y tế (găng tay cao su y tế và các thiết bị bảo hộ y tế phòng chống dịch Covid-19).... từ Việt Nam để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở trong nước.
Bên cạnh đó, một số tổ chức liên quan và doanh nghiệp Israel bày tỏ quan tâm hợp tác với các đối tác Việt Nam trong các lĩnh vực như hoạt động khởi nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ và các giải pháp kỹ thuật trong hoạt động sản xuất, dịch chuyển đầu tư và các chuỗi hoạt động sản xuất sang Việt Nam...
Tiềm năng cho xuất khẩu thủy sản
Cũng theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Israel, trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá ngừ sang Israel đạt 13,778 triệu USD, chiếm tỷ trọng 4,71% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước, và Israel là một trong 10 thị trường nhập khẩu cá ngừ hàng đầu của Việt Nam; mặt hàng tôm đông lạnh đạt 3,737 triệu USD, chiếm tỷ trọng 0,25% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước; mặt hàng mực đông lạnh đạt 2,413 triệu USD, chiếm tỷ trọng 1,01% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước, và Israel đứng thứ 9 trong số 10 thị trường nhập khẩu mực hàng đầu của Việt Nam (đứng sau Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc và Hongkong, Italy, Malaysia, Philippines, Mỹ và đứng trước Đài Loan); mặt hàng cá tra đạt 1,727 triệu USD, chiếm tỷ trọng 0,26% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước.
Hiện tại, Israel là thị trường xuất khẩu thủy sản đứng thứ 48 trong số trên 100 thị trường Việt Nam đã có xuất khẩu thủy sản sang đó.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp Israel quan tâm tới mặt hàng cá tra fillet, lương thực thực phẩm đóng hộp, nông sản các loại, hàng dệt may và đang giao dịch với các công ty Việt Nam để ký kết hợp đồng trong thời gian tới.
Tuy quy mô dân số chỉ khoảng 9,2 triệu người và dung lượng thị trường không lớn, nhưng hiện tại Israel là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực Tây Á (sau UAE và Thổ Nhĩ Kỳ).
|
(Theo báo Công Thương)