Thị trường tiêu thụ cá tra dần được phục hồi, đó là tín hiệu vui của ngành hàng này trong những tháng cuối năm 2020, bởi trước đó, doanh nghiệp (DN) lẫn ngư dân phải chứng kiến một cuộc khủng hoảng thừa nguyên liệu kéo dài, dẫn đến giá bán cá thương phẩm dưới giá thành sản xuất.
Cá tra rớt giá kéo dài trong 2 năm qua đã làm cho ngư dân lẫn DN tại ĐBSCL mất rất nhiều tiền, bởi bình quân mỗi năm, toàn vùng nuôi 1,2 triệu tấn cá nguyên liệu phục vụ xuất khẩu, 2 năm qua, cá khi xuất hầm, người nuôi lỗ từ 3.500 - 4.000 đồng/kg (tùy thời điểm), nếu lấy sản lượng 1,2 triệu tấn/năm nhân lên cho số thua lỗ của mỗi kg cá mới thấy, cá tra rớt giá làm thiệt hại nền kinh tế các tỉnh trong khu vực là rất lớn. Cá rớt giá, kéo theo nhiều hệ lụy khó lường, đó là tình trạng nợ gia tăng, nợ xấu của nhiều ngân hàng vượt mức 3%/năm, hàng chục ngàn lao động tại ĐBSCL mất việc.
Trước thực trạng trên, nhiều người cho rằng, đây là cuộc sàng lọc tự nhiên để ngành hàng này lựa chọn những người tham gia phải thật sự có năng lực, có vốn lẫn kinh nghiệm.
Đang ngồi cùng vợ mang cá tra quá lứa ra đầu cầu Chữ S (thị trấn Cái Dầu, Châu Phú, An Giang) bán cho người tiêu dùng trong huyện, ông Nguyễn Văn Tân chia sẻ, nhà ông nuôi 3ha cá tra thương phẩm, giá cá rớt kéo dài, các DN xuất khẩu không thấy tăm hơi, ông đành kêu thương lái (tiêu thụ ở thị trường nội địa) để bán.
“Bán cho thương lái xuất khẩu hay nội địa gì cũng được, miễn là thu được tiền nhưng tâm lý người nuôi thích bán cá cho các đơn vị xuất khẩu hơn, bởi họ bắt với số lượng lớn, thời gian bắt nhanh. Còn bán cho thương lái tiêu thụ ở thị trường nội địa đa phần bắt mỗi ngày không quá 100 tấn, trong khi mỗi hầm, sản lượng cá nuôi phải đến 800 - 1.000 tấn, nếu chủ hầm đồng ý cho thời gian bắt kéo dài thì hao hụt rất lớn…” - ông Tân chia sẻ.
Giải quyết những vấn đề khó khăn của ngành hàng cá tra, tháng 5/2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã đích thân vào ĐBSCL để làm việc với lãnh đạo các tỉnh (có nuôi cá tra), tìm giải pháp tiêu thụ thông qua kênh nội địa lẫn xuất khẩu, từ đó một “chiến dịch” đưa sản phẩm cá tra phục vụ người tiêu dùng nội địa nói chung, các tỉnh phía Bắc nói riêng được triển khai, nhờ đó thị trường tiêu thụ cá tra tại các tỉnh ĐBSCL mạnh dần lên.
Đi đầu trong chiến dịch đưa sản phẩm cá tra ĐBSCL ra các tỉnh phía Bắc, phục vụ người tiêu dùng tại đây có Tập đoàn Nam Việt (An Giang), IDI (Đồng Tháp) cùng nhiều DN khác trong ngành. Sản phẩm của các DN mang ra các tỉnh phía Bắc, ngoài cá tra nguyên con, cắt khúc, fillet còn có hàng chục sản phẩm mang tính giá trị gia tăng như: chả basa thì là, giò chả basa thì là, chả basa thì là tẩm bột, cá basa fillet cắt miếng tẩm bột, chả cá basa viên…
Nhờ đẩy mạnh kênh nội địa, sản lượng cá tra của ngư dân tại ĐBSCL giảm đáng kể, từ đó giá cá tăng trở lại. “10 ngày qua, giá cá tra nguyên liệu tăng từ 18.500 đồng lên 22.500 đồng và trong xu hướng có thể tăng mạnh hơn. Giá cá tra tăng mạnh, một phần do các DN đẩy mạnh xuất khẩu qua 4 thị trường chính, một phần do kênh nội địa tiêu thụ mạnh, góp phần đáng kể trong việc giải quyết sản lượng cá của niên vụ 2020.
Ngoài ra còn có nguyên nhân khách quan, những ngày qua mưa gió bất thường đã làm cho lượng cá tra giống lẫn cá thịt hao với tỷ lệ rất cao, nhiều DN sợ cá trên thị trường hết, từ đó đẩy mạnh mua vào” - ông Cao Lương Tri (ngư dân xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) phân tích.
Thị trường tiêu thụ cá tra dần được phục hồi kể từ tháng 9 đến nay, bởi 8 tháng của năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra chỉ đạt hơn 849 triệu USD, giảm gần 30% so cùng kỳ 2019 thì đến giữa tháng 9-2020 đến nay, các thị trường nhập khẩu đã tăng mạnh lượng nhập để phục vụ dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch sắp đến. Thị trường tiêu thụ cá tra những tháng gần đây phục hồi đã mở ra triển vọng rất lớn cho ngành hàng này.
Về lâu dài, để ngành hàng này phát triển ổn định, có ý kiến cho rằng, cần đưa ngành hàng cá tra vào loại hình kinh doanh có điều kiện, bởi thực tế cho thấy, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 50 nhà máy chế biến thủy sản nhưng cả nước có trên 300 DN làm thương mại trên sản phẩm cá tra (đa phần ở TP. Hồ Chí Minh), như vậy những người làm thương mại mà không có vùng nuôi, nhà máy chế biến rất dễ bán phá giá thị trường (khi tình hình mua bán gặp khó khăn). Nên chăng, các cơ quan chức năng cần xem xét để đưa ngành hàng này vào loại hình kinh doanh có điều kiện để lập lại trật tự trong ngành, giảm thiểu rủi ro cho những bên tham gia.
“Đứng trước thực trạng khủng hoảng thừa nguyên liệu kéo dài, ngành nông nghiệp đang vận động nông dân đẩy mạnh đa dạng hóa đối tượng nuôi. Ngoài cá tra, bà con nuôi thêm các đối tượng khác như: cá chình, cá trạch lấu, các loại cá đặc sản để tiêu thụ ở thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.
Đối với cá tra, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực này, đồng thời tiếp tục thực hiện chương trình giống cá tra 3 cấp để cung cấp ra thị trường con giống khỏe, sạch bệnh, giúp người nuôi đạt hiệu quả cao hơn” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm chia sẻ.
(Theo báo An Giang)