Để phòng bệnh tốt, trước khi thả nuôi vụ cá mới, người nuôi cần thực hiện cải tạo ao nuôi thật kỹ bằng cách nạo vét hết lớp bùn dưới đáy ao, tu sửa lại bờ bọng, dọn sạch cây cỏ bờ ao, phơi đáy ao. Sau đó, người nuôi dùng các loại hóa chất để tẩy dọn nhằm tiêu diệt địch hại, ký chủ trung gian, các loại sinh vật cạnh tranh thức ăn với cá nuôi trong ao.
Chủ động phòng bệnh
Nhằm tạo ra các sản phẩm đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, trong quá trình cải tạo ao, người nuôi chỉ nên sử dụng vôi và các sản phẩm từ vôi để diệt khuẩn trong ao. Cụ thể, dùng vôi sống (CaCO3), vôi bột (CaO) hoặc vôi tôi (Ca(OH)2), với liều 10 - 15 kg/100 m2 để diệt khuẩn nền đáy ao. Vôi còn có thể dùng để sát khuẩn nước ao nuôi định kỳ 2 tuần/lần với liều 2 kg/100 m3 nước (ngâm vôi vào nước trong lu, rồi lấy nước trong tạt khắp ao).
Khi thả giống bắt đầu vụ nuôi mới, người nuôi cần chọn mua con giống có nguồn gốc bố mẹ rõ ràng, tốt nhất là nên sử dụng con giống đã được chọn lọc có chất lượng cao ở các trung tâm giống thủy sản và các cơ sở sản xuất, ươm cá tra giống có uy tín. Đặc biệt, tất cả con giống chọn mua phải có chứng nhận kiểm dịch đạt yêu cầu của cơ quan thú y.
Khi vận chuyển con giống về ao nuôi, người nuôi cá có thể dùng các biện pháp xử lý để hạn chế đến mức thấp nhất mầm bệnh trong cá giống. Lúc này, có thể dùng dung dịch các chất sau để tắm cá như: CuSO4.5H2O (phèn xanh) với liều lượng 2 - 5 ppm (1 ppm bằng 1 mg/lít) trong 10 - 15 phút, muối ăn (NaCl) 3 - 5‰ trong 3 - 5 phút hoặc formalin với liều 200 - 300 ppm trong 15 - 20 phút. Cá nuôi trong ao không nên thả với mật độ quá dày do khó quản lý, cá dễ bị mầm bệnh tấn công, tỷ lệ hao hụt rất cao. Mật độ thả nuôi tốt nhất cho các vùng nuôi cá tra thâm canh khoảng 20 - 40 con/m2.
Hoạt động cho cá ăn phải được quản lý chặt chẽ, tránh để thức ăn dư thừa gây ô nhiễm môi trường, đồng thời làm tăng giá thành nuôi cá. Thức ăn cho cá phải đảm bảo chất lượng và đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho từng giai đoạn phát triển của cá. Khi cá có dấu hiệu bệnh nên giảm lượng thức ăn, thậm chí có thể giảm tới 50% lượng thức ăn so với lúc bình thường. Chất lượng nước trong ao nuôi phải được quản lý thật tốt, tránh để xảy ra hiện tượng các yếu tố thủy lý hóa biến động lớn và nhiễm bẩn nước ao nuôi.
Trong quá trình nuôi, nếu buộc phải sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh trong phòng trị bệnh, người nuôi phải tuân thủ theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn kỹ thuật, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm có chứa hoạt chất trifluralin, enrofloxacin trong quá trình nuôi với bất kỳ mục đích sử dụng nào. Người nuôi cũng cần tăng sức đề kháng của cá nuôi bằng cách định kỳ bổ sung vitamin C, nhất là vào thời điểm giao mùa.
Điều trị thích hợp
Khi cá có biểu hiện bất thường, người nuôi cần đem cá ngay tới phòng xét nghiệm bệnh thủy sản gần nhất để xác định nguyên nhân gây bệnh và được tư vấn biện pháp trị bệnh hiệu quả nhất. Người nuôi không nên đem cá bệnh đến các cửa hàng thuốc thú y nói chứng để mua thuốc về điều trị cho cá vì hiệu quả chữa trị lúc này theo kiểu “hên xui”, mất tiền nhưng hiệu quả không cao.
Hiện nay, hầu như các loại kháng sinh điều trị bệnh cá đang sử dụng tại các vùng nuôi cá tra đều đã bị kháng thuốc (không còn hiệu quả điều trị bệnh do vi khuẩn) do người nuôi cá (từ cá giống đến cá thịt) sử dụng kháng sinh không đúng cách, đúng liều, tạo ra những chủng vi khuẩn kháng thuốc. Do vậy, người nuôi cá cần đem mẫu cá bệnh đến phòng kiểm nghiệm bệnh thủy sản để các kiểm nghiệm viên kiểm tra các loại ký sinh trùng và làm kết quả kháng sinh đồ. Nếu tác nhân gây bệnh là vi khuẩn, các kiểm nghiệm viên sẽ cho biết kết quả chính xác là loại kháng sinh nào điều trị hiệu quả nhất.
(Theo KHPT)