Khó khăn kép với cá tra

Hạn mặn gay gắt cùng ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã khiến ngành cá tra ĐBSCL có sự khởi đầu trong năm 2020 đầy khó khăn. Không ít nông hộ đã phải treo ao vì thua lỗ…

“Neo” ao chờ giá

Ông Lê Thanh Vân (quận Ô Môn, TP.Cần Thơ) với thâm niên nuôi cá tra hơn 10 năm cho biết, gia đình ông vừa thu hoạch và bán hơn 70 tấn cá tra thịt, với giá 18.300 đồng/kg, lỗ khoảng 3.000 đồng/kg. Từ thời điểm cuối năm 2019 đến nay, giá cá giống giảm sâu, ở mức dưới 25.000 đồng/kg, trong khi chi phí sản xuất phải 30.000 đồng/kg. Người nông dân phải “neo” cá lại, chờ giá nhích lên.

Tương tự, ông Lê Quang Vinh, xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, cho biết, khoảng 10 tháng nay, diện tích nuôi cá tra 2ha của gia đình đã quá lứa, lên tới tới 1,8kg/con. Cuối cùng, phải chạy đôn chạy đáo ông mới bán được cho nhà máy với giá 17.700-18.000 đồng/kg, nhưng 3 tháng sau mới được trả tiền.

“Năm 2019, giá cá thấp nên gia đình tôi bị thua lỗ mấy tỉ đồng. Từ đầu năm đến nay, giá cá lại tuột dốc đẩy hàng loạt hộ nuôi rơi vào cảnh khó. Như đợt bán vừa rồi tôi lỗ bình quân 5.000-6.500 đồng/kg”.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), do tác động của dịch COVID-19, phần lớn các doanh nghiệp bị sụt giảm 35%-50% đơn hàng do bị hủy, lùi đơn hàng hay thiếu nguyên liệu. Ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là mặt hàng cá tra, từ đầu năm đến nay, gần như toàn bộ hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bị gián đoạn, ngưng trệ.

Đến tháng 3.2020, khi dịch COVID-19 lan rộng sang khu vực Châu Âu, Mỹ, nhiều đơn hàng xuất khẩu cá tra cũng ách tắc, hủy hoặc thông báo tạm ngừng. Đối với mặt hàng tôm, các doanh nghiệp đã linh hoạt giảm giá bán 25%-30% để kích cầu, nhưng vẫn có 35%-50% đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ, EU bị hoãn hoặc hủy.

Ngoài ra, trong tháng 2 - 3.2020, tình trạng hạn mặn bất thường đã xảy ra ở Đồng bằng sông Cửu Long khiến cho vùng nuôi cá tra nguyên liệu bị ảnh hưởng nặng nề. Người nuôi ở một số địa phương đã ngưng thả nuôi do không đủ điều kiện nước, thủy lợi cho việc thả vụ mới.

Hệ lụy từ cung vượt cầu

Ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA) cho biết, giá cá nguyên liệu giảm sâu, sản xuất, tiêu thụ bị đình đốn do đầu ra bị ách tắc, giá trị xuất khẩu giảm mạnh.

Nguyên nhân sâu xa hơn là do cung vượt cầu. Cụ thể, giá cá lên quá cao và lập đỉnh thời điểm năm 2018, người dân ồ ạt thả nuôi thiếu kiểm soát, diện tích và sản lượng tăng vọt. Nhưng qua năm 2019, giá quay đầu giảm mạnh, không ít người phải bán lỗ hoặc “treo ao”. Bước sang năm 2020, dịch bệnh khiến tình hình khó khăn chồng lên khó khăn, do xuất khẩu phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc (năm 2019, tổng xuất khẩu cá tra đạt 2 tỉ USD thì thị trường Trung Quốc chiếm đến 662 triệu USD).

Ông Nguyễn Duy Nhứt, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nam Việt (An Giang), cho rằng: “Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đang bị giảm sản lượng 30- 40%; từ đó khiến việc tồn kho rất nhiều, tốn kém thêm chi phí bảo quản... Khó khăn tứ phía đang vây các doanh nghiệp cá tra. Cùng với giải pháp thị trường thì ngành chức năng cần triển khai ngay việc xem xét giảm thuế, miễn thuế cho doanh nghiệp xuất khẩu cá tra; đơn giản các thủ tục hành chính, không áp dụng kiểm tra hoạt động thời điểm này; nhất là kéo giãn thời gian nộp bảo hiểm xã hội… Các ngân hàng nghiên cứu giảm nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất để chia sẻ khó khăn cùng DN xuất khẩu…”.

(Theo BLĐ)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục