Đồng bằng sông Cửu Long: Mở “đường bơi” cho cá tra

Tác động của dịch bệnh COVID-19 chỉ là giọt nước tràn ly, bởi nhiều năm qua, con cá tra ở ĐBSCL luôn ngụp lặn trong khó khăn, đòi hỏi phải có những giải pháp căn cơ để tháo gỡ…

Những ngày qua, ngành hàng cá tra ở ĐBSCL tiếp tục rơi vào cảnh bi đát, giá giảm sâu, khiến người nuôi lỗ nặng.

Ông Huỳnh Tấn Phát (ngụ phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) buồn rầu kể: “Hồi đầu năm 2019, tôi có thuê 2ha ao để nuôi cá tra. Vụ đầu bán có lời, giá khoảng 25.000 đồng/kg nhưng từ đầu năm đến nay, giá cá tra sụt giảm thảm hại, vừa qua phải bấm bụng bán 20 tấn cá với giá 18.000 đồng/kg, lỗ gần 100 triệu đồng”.

Bà Trần Thị Thiên Thư - Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.Cần Thơ - cho biết, hiện giá cá tra tại địa phương khoảng 18.500 đồng/kg trong khi giá thành sản xuất là 21.500 đồng/kg; mỗi kilôgam cá bán đi người nuôi lỗ 3.000 đồng/kg. Do thua lỗ và đầu ra cầm chừng nên rất nhiều hộ không dám thả nuôi lứa mới, chỉ những hộ dân hoặc hợp tác xã có hợp đồng với nhà máy mới dám thả nuôi nhưng diện tích rất ít.

Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), xuất khẩu thủy sản đang tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh COVID-19. Trong 7 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu ngành hàng này chỉ đạt 4,38 tỉ USD, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, xuất khẩu cá tra trong tháng 6 giảm tới gần 35%. Còn tính từ đầu năm đến hết tháng 6, xuất khẩu cá tra đạt khoảng 660 triệu USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Doãn Tới - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt (chuyên về thủy sản) - hiện nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 giá cá tra xuống thấp chưa từng có so với nhiều năm trước khiến người nuôi lỗ nặng.

Trong khi việc xuất khẩu cá tra sang các thị trường trên thế giới bị ảnh hưởng thì dường như 20 năm qua thị trường trong nước đã bị bỏ quên. Hiện Việt Nam có hơn 90 triệu dân nếu tiêu thụ cá tra sẽ giải quyết cho bài toán trong nước rất tốt. Tuy nhiên, để tăng cường phát triển thị trường nội địa rất cần các cơ quan truyền thông đẩy mạnh quảng bá hình ảnh cá tra cho người tiêu dùng trong nước biết đến với tinh thần người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Từ đây đến cuối năm, Nam Việt phấn đấu bán ra miền Bắc khoảng 1.000 tấn cá tra thành phẩm.

Bộ NNPTNT đánh giá dịch COVID-19 đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu cá tra bị đình trệ. Ðể giải quyết tình hình hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong nước đã có những động thái kết nối, hợp tác nhằm lấy thị trường nội địa làm chủ lực phát triển để dần khôi phục thị trường thế giới sau đại dịch COVID-19.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Ðức Tiến cho rằng, hiện nay cần tập trung tái cơ cấu ngành hàng, mở rộng thị trường đặc biệt chú ý kết nối phát triển thị trường trong nước. Việt Nam với khoảng 100 triệu dân, 25 triệu khách du lịch, trong khi cá tra đã được sản xuất theo chuỗi khép kín mức độ công nghệ cao từ con giống đến xuất khẩu đã được Mỹ công nhận tương đương mà chúng ta chỉ tập trung thị trường nước ngoài, bỏ trống thị trường trong nước sẽ rất khó khăn. Do vậy, phải đẩy mạnh kết nối thông tin, tuyên truyền để người Việt Nam đặc biệt là các tỉnh phía Bắc hiểu rằng cá tra có giá trị dinh dưỡng cao. Có thể chế biến phù hợp với các trường học, bếp ăn tập thể, siêu thị. 

(Theo BLĐ)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục