Sau thời gian giảm giá sâu, giá cá tra tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng trở lại khiến người nuôi và doanh nghiệp phấn khởi. Cùng với nhiều giải pháp quyết liệt, ngành cá tra đang được kỳ vọng trở lại những chặng đường khởi sắc…
Giá tăng, nuôi có lãi
Trong suốt 3 quý đầu năm 2020, giá cá tra tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) liên tục giảm, chỉ quanh quẩn dưới mức 20.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất hơn 21.000 đồng/kg, khiến người nuôi và doanh nghiệp thua lỗ. Từ khoảng tháng 10 vừa qua, giá cá tra giống tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã tăng trở lại từ 5.000-6.000 đồng/kg so với cách đây khoảng 2 tuần. Tại nhiều quận, huyện ở TP.Cần Thơ, cá tra giống loại 30-35 con/kg có giá 20.000-22.000 đồng/kg, trong khi trước đây chỉ có giá 15.000-17.000 đồng/kg. Còn tại tỉnh An Giang, giá cá tra đầu tháng 11 cũng ở mức 21.000-22.000 đồng/kg, người nuôi bắt đầu có lãi trở lại…
Giá cá ca tăng là do gần đây mưa bão, thời tiết bất lợi nên việc sản xuất cá giống bị hao hụt nhiều, dẫn đến nguồn cung cá tra giống thiếu hụt. Bên cạnh đó, do một thời gian dài giá xuống quá thấp, người dân tại nhiều địa phương phải hạn chế sản xuất cá tra giống, dẫn đến thiếu nguồn cung. Hiện nhiều hộ dân và doanh nghiệp đang có nhu cầu mua cá tra giống để thả nuôi đợt mới nên sức mua tăng, tạo điều kiện cho giá cá nhích lên.
Tập trung thị trường nội địa
Tính đến hết tháng 9.2020, diện tích thả nuôi cá tra tại ĐBSCL đạt 4.968ha, bằng 91% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng sản lượng cá tra 9 tháng đầu năm ước đạt trên 1 triệu tấn, bằng 93,6% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, tập trung ở 5 tỉnh trọng điểm là Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Bến Tre và Vĩnh Long. Riêng ở Đồng Tháp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh này cho biết, đến cuối tháng 10.2020, toàn tỉnh có hơn 1.900ha nuôi cá tra, diện tích thu hoạch hơn 888ha, sản lượng thu hoạch gần 350.000 tấn (đạt 62,4% so với kế hoạch).
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), hồi tháng 1/2020, giá cá tra phile đông lạnh xuất khẩu (XK) ở mức 2,25-2,35 USD/kg. Tuy nhiên, trong tháng 2 và 3, giá lại giảm xuống mức dưới 2,2 USD/kg và duy trì cho tới hết tháng 6. Bước sang quý III/2020, giá cá tra phile đông lạnh XK đã tăng lên mức từ 2,35-2,5 USD/kg và tới cuối tháng 10 đã tăng lên mức 2,65-2,7 USD/kg.
Hiện nay, nhiều người dân và doanh nghiệp nuôi trồng chế biến cá tra xuất khẩu tại ÐBSCL và các cơ quan chức năng đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh và khuyến khích tiêu dùng các sản phẩm cá tra tại thị trường nội địa. Những hội chợ và các chương trình xúc tiến thương mại được tổ chức gần đây, các cơ quan chức năng tại vùng ÐBSCL và cả các bộ, ngành ở Trung ương đều quan tâm tạo điều kiện các đơn vị, doanh nghiệp quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm cá tra tại thị trường trong nước.
Tại TP.Cần Thơ, bên cạnh việc tăng cường lượng cá tra đưa về bán tại các chợ, nhiều người dân, hộ kinh doanh đã mở thêm các điểm bán cá tra dọc theo các tuyến đường lộ giao thông, với mức niêm yết giá bán chỉ ở mức 28.000-30.000 đồng/kg. Nhiều doanh nghiệp cũng quan tâm phát triển các sản phẩm chế biến và món ăn ngon từ con cá tra để đưa vào các hệ thống kinh doanh, nhất là các siêu thị và bếp ăn tại các quán ăn, nhà hàng, khách sạn để phục vụ người tiêu dùng. Ðến nay, ngoài các sản phẩm cá tra tươi sống, cá tra phi lê đông lạnh và chả cá tra, các doanh nghiệp cũng cho ra đời các loại khô cá tra, mắm cá tra, các sản phẩm thịt và da cá tra sấy ăn liền...
Ông Chương Văn Khanh (ở khu vực Trường Thọ 1, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) cho biết: “Mỗi tháng cơ sở chế biến của tôi thu mua trên 1 tấn cá tra để làm khô và mắm, qua đó vừa góp phần giúp người nuôi cá tra tiêu thụ sản phẩm, vừa nâng cao giá trị sản phẩm. Cá tra sau khi làm thành mắm được bán với giá khoảng 120.000 đồng/kg, còn khô cá tra có giá từ 140.000-160.000 đồng/kg”.
Theo bà Tô Thị Tường Lan - Phó Tổng Thư ký VASEP, với dân số của nước ta hiện hơn 90 triệu người, đây là thị trường tiêu thụ rất tiềm năng đối với sản phẩm cá tra. Nếu chúng ta có các chương trình, chiến lược để khai thác tốt được thị trường nội địa sẽ góp phần tạo cú hích cho phát triển xuất khẩu. Thị trường nội địa cho con cá tra sẽ được khai thác tốt thông qua việc tạo dựng hình ảnh, thương hiệu, chất lượng của cá tra, các sản phẩm chế biến từ cá tra và sự yêu thích của người tiêu dùng trong nước và của khách du lịch đối với sản phẩm cá tra. Ðể hoàn thành mục tiêu này, cần đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm tại nhiều kênh bán hàng khác nhau, như: Đưa vào các hệ thống siêu thị, nhà hàng, khu du lịch, bếp ăn tập thể tại các trường học, khu công nghiệp, quân đội... gắn với việc xây dựng thương hiệu sản phẩm và quản lý tốt chất lượng, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc.
(Theo BLĐ)