(vasep.com.vn) Dự án Phúc lợi cá rô phi Ai Cập đã hỗ trợ cải thiện phúc lợi cho 10% cá rô phi sông Nile nuôi ở Ai Cập, tương đương hơn 260 triệu con cá.
Dự án phúc lợi cá là sự hợp tác giữa Tổ chức Nghiên cứu Thủy sản có Đạo đức (ESR) có trụ sở tại Scotland, các trại nuôi FAI có trụ sở tại Anh và Aquavet Ai Cập nhằm mục đích giảm tỷ lệ cá chết và giảm chi phí sản xuất cá rô phi sông Nile tại Ai Cập. Được triển khai vào đầu năm 2024, dự án cung cấp đào tạo cho người nuôi cá và giúp họ chăm sóc cá tốt hơn, theo dõi chất lượng nước và cải thiện cách xử lý cá để có phúc lợi cá tốt hơn và kết quả nuôi tốt hơn.
"Chúng tôi rất vui mừng với những tiến triển mà chúng tôi đang đạt được", Nhà sáng lập ESR Wasseem Emam cho biết. "Chúng tôi đang chứng minh sức mạnh của các hoạt động nuôi trồng thủy sản có đạo đức trong việc tác động tích cực đến con cá và người nông dân".
Emam cho biết sự hợp tác này đã có hơn 300 lượt tải xuống ứng dụng phúc lợi cá rô phi của FAI và 150 nhà giáo dục phúc lợi đã được đào tạo để chia sẻ kiến thức trong toàn ngành nuôi cá rô phi của Ai Cập.
Ông cho biết: “Chúng tôi đang có những bước tiến thực sự hướng tới nền nông nghiệp bền vững, tập trung vào phúc lợi”.
Những ứng dụng và khóa đào tạo đó đã được đưa đến hơn 1.000 trang trại khác nhau tại các vùng sản xuất cá rô phi lớn ở Ai Cập, bao gồm Kafr El Sheikh, Beheira, Sharkia và Port Said. Bên cạnh đó, Dự án Phúc lợi cá rô phi Ai Cập cho biết họ đã tiến hành hơn 3.000 đánh giá phúc lợi và đang tiến gần đến 4.000 đánh giá được hoàn thành.
"Sáng kiến này có tiềm năng to lớn trong việc chuyển đổi ngành nuôi trồng thủy sản tại Ai Cập", đại diện của FAI cho biết. "Ai Cập là một trong những nhà sản xuất cá rô phi hàng đầu thế giới và bằng cách áp dụng các biện pháp phúc lợi ở quy mô này, chúng tôi đang chứng kiến sự thay đổi rõ rệt hướng tới sức khỏe cá tốt hơn, lợi nhuận trang trại cao hơn và các tiêu chuẩn của ngành được cải thiện".
Tổng giám đốc điều hành FAI cho biết dự án này đang góp phần vào mục tiêu cải thiện phúc lợi cá rô phi trên toàn cầu của FAI.