Covid-19 tác động như thế nào tới tiêu thụ cá ngừ và thuỷ sản của EU

(vasep.com.vn) Người Châu Âu vẫn rất thích ăn cá và các sản phẩm thuỷ sản, với 2/3 trong số họ cho biết những món ăn này có trong thực đơn của họ vài lần trong tháng. Đại dịch toàn cầu đã làm giảm lượng tiêu thụ thuỷ sản của người Châu Âu. Nguyên nhân chủ yếu là do giá cao.

Chú thích ảnh

Đây là các thông tin được cung cấp trong nghiên cứu “Thói quen của người tiêu dùng EU đối với các sản phẩm thuỷ sản và nuôi trồng thuỷ sản” của Eurobarometer, cơ quan thường xuyên tiến hành các cuộc điều tra dư luận thay mặt cho Ủy ban Châu Âu và các Tổ chức EU khác. Nghiên cứu mới nhất này được thực hiện bởi mạng Kantar trong khu vực từ ngày 16 tháng 3 đến ngày 12 tháng 4 năm 2021, và 26.669 người trả lời đã được phỏng vấn về dữ liệu này.

Người Châu Âu vẫn thích ăn hải sản

Người Châu Âu vẫn thích cá và hải sản bất chấp đại dịch diễn ra. Khoảng 64% số người được hỏi trả lời rằng họ vẫn tiếp tục ăn các sản phẩm này thường xuyên tại nhà, và con số này chỉ thấp hơn 6% so với cuộc khảo sát vào năm 2018. Tuy nhiên, những người ăn thuỷ sản tại nhà hàng và cửa hàng ăn uống khác ít nhất 1 lần trong tháng đã giảm 11%. Một trong những nguyên nhân của sự sụt giảm này là do các chuỗi nhà hàng và dịch vụ ăn uống đã phải tạm ngưng hoạt động trong thời gian bùng phát đại dịch Covid-19.

58% người Châu Âu mua các sản phẩm hải sản hoặc thuỷ sản nuôi ít nhất 1 lần trong 1 tháng, trong khi 62% ăn các loại thực phẩm như các sản phẩm đông lạnh hàng tháng. 59% số người được hỏi nói họ tiêu thụ thuỷ sản tươi và đóng hộp.

33% cho biết họ phải cắt giảm tiêu dùng vì các sản phẩm này trở nên đắt đỏ hơn. 25% cho biết họ phải cắt giảm do sự thay đổi hoàn cảnh tài chính của họ. Một số cho biết họ đã thay thế các sản phẩm thuỷ sản bằng các loại thực phẩm khác.

Các vấn đề liên quan đến tiêu thụ sản phẩm đóng hộp và đông lạnh

Khi nói đến các sản phẩm đóng hộp và chế biến sẵn, người Châu Âu thường quan tâm đến nội dung trên nhãn sản phẩm trước khi đưa ra quyết định mua. Mối quan tâm đầu tiên của họ là về các loài, khi 66% người được hỏi cho biết họ cần biết chính xác loài cá hay thuỷ sản có trong mặt hàng đó. Thứ hai, họ muốn biết sản phẩm này là thuỷ sản được đánh bắt tự nhiên hay là thuỷ sản nuôi. Tiếp theo là khu vực đánh bắt hoặc nuôi trồng, vì họ quan tâm đến nguồn gốc thức ăn của họ.

Đối với các sản phẩm thuỷ sản tươi, đông lạnh, hun khói hay khô, có 3 nội dung chính mà người mua muốn xem trên nhãn sản phẩm của họ. Đầu tiên, 69% người được hỏi quan tâm đến hạn sử dụng vì họ cho rằng đây là thông tin cần thiết nhất. Điều thú vị là người Châu Âu không quan tâm tới nội dung này trên các sản phẩm đóng hộp. Thứ 2, 57% trong số người được hỏi quan tâm đến tên của sản phẩm và loài được đề cập trên nhãn. Cuối cùng, 53% muốn biết sản phẩm này là sản phẩm nuôi hay đánh bắt tự nhiên.

Nhu cầu về thông tin sản phẩm

Đối với tất cả các sản phẩm thuỷ sản đánh bắt và nuôi trồng, ngày đánh bắt hay thu hoạch vẫn là mối quan tâm của người mua Châu Âu, và tâm lý này không thay đổi kể từ năm 2018. Do nhận thức về khí hậu và sức khỏe đại dương ngày càng được nâng cao, 44% người tiêu dùng muốn có thông tin về môi trường và con số này cao hơn 5% so với ba năm trước. Số lượng người mua mong đợi sự minh bạch hơn trong chuỗi cung ứng cũng ngày càng tăng (33%). Họ muốn biết quốc gia nơi con tàu đánh bắt cá hoặc hải sản được đăng ký. Điều thú vị là cuộc khảo sát cho thấy những người trẻ tuổi, có trình độ học vấn cao có nhiều khả năng đề cập đến thông tin về tác động môi trường, đạo đức và xã hội nên xuất hiện trên nhãn.

Cách trình bày cá hoặc hải sản có ý nghĩa quan trọng đối với người mua vì hình thức của sản phẩm là yếu tố quan trọng khi mua sản phẩm đó. Điều này không thay đổi trong ba năm qua với 58% người được hỏi đồng tình. Các nhà sản xuất cá ngừ cắt miếng (steak) dường như đang giải quyết nhu cầu này bằng cách tạo cho món bít tết đông lạnh hoặc khử sương của họ có màu đỏ hấp dẫn hơn và tránh màu nâu bị oxy hóa thường khiến người mua khó chịu. Người tiêu dùng liên hệ màu đỏ với chất lượng cao hơn và độ tươi. Mới đây, Mạng lưới gian lận thực phẩm nông nghiệp của EU (FNN) thông báo rằng thịt cá ngừ cắt miếng (steak) được xử lý bất hợp pháp bằng nitrat và carbon monoxide là hình thức gian lận thực phẩm lớn thứ hai ở Châu Âu.

Chia sẻ:


Nguyễn Hà
Chuyên gia thị trường Cá ngừ
Email: vanha@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 - ext. 216

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục