Các phương tiện truyền thông đã chỉ ra thách thức ngay đầu năm 2023 cho các doanh nghiệp (DN) cung ứng hàng xuất khẩu là tín dụng thắt chặt, tồn kho cao, lạm phát khiến sức mua giảm và các DN chế biến thủy sản thêm áp lực là cạnh tranh toàn cầu hết sức gay gắt nữa.
Trong hoàn cảnh đó, thiết nghĩ các DN thủy sản chúng ta đã có quá nhiều kinh nghiệm, sẽ có hành động ứng xử kịp thời cho mình. Trong những giai đoạn thị trường tiêu thụ khó khăn, những giải pháp đã thực thi thường là:
+ Nỗ lực thu thập thông tin, phân tích đánh giá để đưa ra quyết sách. Nếu đánh giá thị trường khó khăn sẽ kéo dài thì:
+ Nhanh chóng giải phóng hàng tồn kho bằng giá mềm nhằm hạn chế kẹt vốn, kẹt kho. Song song hết sức chú ý công việc quản trị hàng tồn kho nhằm, cụ thể như trang bị công suất kho lạnh có tính toán cho dự trữ lúc cần thiết nhằm chủ động kho trữ và nguyên liệu/ Luôn tìm hiểu thông tin về tình hình cung ứng trong ngoài nước cũng như xu thế nhu cầu của người tiêu thụ để có tính toán trong việc tiêu thụ và trữ hàng của mình thiết thực và hiệu quả/ Rà soát tồn kho kịp thời để tranh thủ mọi cơ hội kinh doanh…
+ Chỉ mua nguyên liệu đáp ứng cho đơn hàng đang có, tránh tăng tồn kho.
+ Cắt giảm chi tiêu, nêu cao ý thức tiết kiệm, rà soát các định mức tiêu hao, rà soát tối ưu hoá quy trình chế biến.
+ Tập trung nguồn lực vào sản xuất chính, không đầu tư tràn lan.
Thật ra bình thường các DN vẫn quan tâm các vấn đề này, nay chỉ là ý thức cao hơn. Đó là mặt nổi, nhưng cần hơn là mặt chiều sâu, mặt bền vững. Nó gồm nhiều quyết sách như:
+ Chú trọng cơ giới hoá, tự động hoá và tiến tới chuyển đổi số những công đoạn có thể. Coi trọng nâng cao hiệu quả quản trị qua ứng dụng các thành quả mới. Giải pháp này cần vốn khá lớn, cho nên sớm có kế hoạch thực hiện từng bước theo năng lực tài chánh của mình. Ý nghĩa của giải pháp này là làm tăng năng suất lao động, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao chất lượng quản trị. Ngoài ra còn tác dụng giảm lệ thuộc lao động, giảm rủi ro về chất lượng sản phẩm.
+ Xây dựng nền tảng hoạt động vững vàng, tiến tới theo đuổi phát triển bền vững. Con đường đi đến phát triển bền vững muốn bền vững thực sự phải chú trọng toàn diện như xây dựng văn hoá DN, đạo đức kinh doanh, xây dựng chiến lược hoạt động, xây dựng thương hiệu… để có hướng đi rõ ràng và bài bản. Từ nền tảng đó DN sẽ thuận lợi hơn khi thực thi bộ tiêu chí DN bền vững. Ý nghĩa giải pháp này là đáp ứng xu thế thế giới, đáp ứng đòi hỏi và tăng sự thuyết phục người tiêu dùng đối với sản phẩm của mình. Qua đó làm tăng sức cạnh tranh lâu dài cho sản phẩm của mình.
Cụ thể về các DN tôm, chúng ta biết trong 6 nước nuôi tôm hàng đầu thế giới, cách đây 5 năm, Ecuador hạng 6, nay dẫn đầu. Cho thấy tốc độ tăng trưởng sản lượng của họ là kỳ tích. Kỳ tích này thêm lộng lẫy khi họ gần vùng nguyên liệu thức ăn tôm, kết hợp với chiến lược con giống quốc gia thành công, họ có giá thành tôm nuôi thấp nhất, rẻ hơn Ấn Độ và rẻ hơn tôm Việt khoảng 1USD mỗi kg. Qua đó, tôm Ecuador đang dẫn đầu ở EU, Trung Quốc và đang nâng dần thị phần ở Hoa Kỳ, đánh dạt tôm Việt cho khúc sản phẩm cùng phẩm cấp. Ecuador còn có lợi thế là chi phí vận chuyển vào Hoa Kỳ rất thấp. Mặt còn hạn chế của họ là trình độ chế biến mức trung bình. Từ đó, các vấn đề chúng ta nên quan tâm hơn bao giờ hết là:
+ Tăng tỉ lệ thành công trong nuôi tôm, thông qua kiểm soát chặt chẽ hơn không cho tôm giống chất lượng không đạt lưu thông, tiêu thụ. Các địa phương nỗ lực đầu tư thủy lợi các vùng trọng điểm nuôi tôm. Đồng thời chú trọng nuôi trang trại có chứng nhận ASC để tăng sự thuyết phục khách hàng từ Tây Âu.
+ Các DN tôm chúng ta phải biết người biết ta mà uyển chuyển trong sách lược thị trường, khách hàng, sản phẩm… phát huy thế mạnh là khả năng chế biến sâu của mình. Ở Hoa Kỳ tham gia cung ứng sản phẩm vào các hệ thống phân phối cao cấp. Ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc là thị trường gần sẽ giảm tăng ảo vào giá bán do chị phí vận chuyển thấp. Ở Tây Âu đẩy mạnh tiêu thụ tôm có chứng nhận ASC để thâm nhập khúc thị phần tôm cấp cao.
Mọi sự vật đều có hai mặt và luôn biến động. Ecuador đang nỗ lực nâng cao đẳng cấp chế biến, nếu chúng ta chậm chân thì thách thức cho con tôm sẽ to lớn hơn những năm tới.
Các DN cá tra cũng không ít khó khăn khi khả năng hạn ngạch khai thác cá minh thái trên thế giới sẽ tăng so năm qua; các nước nuôi cá tra như Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh, Trung Quốc tiếp tực phát triển sản phẩm có giá cả bình dân này, đáp ứng nhu cầu to lớn trong nước trước mắt và có thể tiến tới xuất khẩu, tranh thị phần với DN cá Việt. Cái khó bên ngoài đó kết hợp cái khó nội tại là đàn cá tra bố mẹ chưa phục tráng tốt; tỉ lệ ươm thành công còn quá thấp, dưới 20% và tỉ lệ nuôi thành công cũng không cao, khoảng 50%. Hệ quả là cá phát triển có chậm so trước đây, khiến giá thành có xu hướng tăng. Chắc chắn giải pháp trước mắt lẫn lâu dài là việc đầu tư chọn lọc đàn cá bố mẹ. Thành tựu lai tạo cá rô phi để tăng tỉ lệ thịt cũng là hướng đi, kinh nghiệm cho cá tra. Nâng cao tỉ lệ sản phẩm chế biến cao, kiểm soát sản lượng cá nuôi phù hợp tình hình cung cầu cá thịt trắng thế giới cũng là những quan tâm hàng đầu cho ngành cá, để sự phát triển ổn định và bền vững.
Khởi động đầu năm, trước mắt đường còn lắm chướng ngại, sẽ khiến ta không chủ quan, luôn bình tĩnh nhẫn nại tìm sách lược vượt qua từng cái khó một trên tinh thần vững tin “Đầu xuôi đuôi lọt”!
TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN