IUU tại Bình Định: Siết chặt!

Chạy nước rút khắc phục “thẻ vàng” IUU, ngoài kiên quyết ngăn chặn tàu cá đánh bắt vi phạm vùng biển ngoài, Bình Định còn nỗ lực đáp ứng các khuyến nghị khác của EC.

Tăng cường xác nhận nguồn gốc thủy sản

Sở NN-PTNT Bình Định thành lập Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá và 3 tổ thường trực tại các cảng cá Quy Nhơn, Đề Gi và Tam Quan, kiểm tra hoạt động khai thác thủy sản và xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản. Ngoài kiểm tra giấy tờ, tổ thường trực tại các cảng cá ở Bình Định còn kiểm tra thực tế khi tàu cập bến để xác nhận nguồn gốc thủy sản.

Theo ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Ban quản lý cảng cá Bình Định, xác nhận nguồn gốc thủy sản là công tác đầy thách thức của các cảng cá. Bởi, EC yêu cầu rất nghiêm ngặt đối với công tác kiểm soát sản lượng của từng tàu cá cập cảng. Do đó, mỗi khi tàu cập cảng bán sản phẩm là ban quản lý các cảng cá phải cử nhân viên kiểm soát tại tàu và tại nơi cân hàng. Trong khi đặc thù của nghề đánh bắt thủy sản là cứ đến mùa trăng là tàu cá cập bờ hàng loạt, với lực lượng nhân sự quá mỏng, những lúc như thế nhân viên các cảng cá dù có “vắt chân lên cổ” cũng khó đảm đương hết công việc.

“Nghề cá của thế giới là đơn nghề và đơn loài, còn nghề cá của Việt Nam là đa nghề và đa loài, nên việc kiểm soát khai thác trên biển và kiểm soát sản lượng khi tàu cá cập cảng rất khó đáp ứng theo yêu cầu của EC. Tuy khó, nhưng chúng tôi vẫn phải hết sức nỗ lực để góp phần khắc phục “thẻ vàng” IUU”, ông Thiện bộc bạch.

Cũng theo ông Thiện, các bước thực hiện công tác xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác được Tổ thường trực thanh tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng cá thực hiện rất chặt chẽ. Đến nay ngư dân cũng đã tuân thủ tốt các quy định về xuất trình hồ sơ thủ tục để ngành chức năng kiểm tra, theo dõi trước khi tàu xuất, cập bến.

Ngư dân cân sản lượng hải sản đánh bắt được tại Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ngư dân cân sản lượng hải sản đánh bắt được tại Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định).

“Mỗi khi cập cảng, các chủ tàu cá phải báo cáo chi tiết với ngành chức năng về hoạt động khai thác thủy sản, hành trình chuyến biển, tổng sản lượng khai thác được, sản lượng từng loại sản phẩm… Tất cả phải được ghi đầy đủ trong sổ nhật ký khai thác, phải đảm bảo đúng quy định thì mới được xác nhận sản phẩm thủy sản hợp pháp”, ông Thiện cho biết thêm.

Phát huy hệ thống giám sát hành trình

Bên cạnh đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, ngành chức năng Bình Định còn phối hợp với chính quyền các địa phương ven biển, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác quản lý tàu cá qua hệ thống giám sát tàu cá, ngăn chặn tình trạng tàu cá đánh bắt vi phạm IUU.

Theo ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc phụ trách Sở NN-PTNT Bình Định, đơn vị này đã phân quyền theo dõi, giám sát tàu cá qua cơ sở dữ liệu của hệ thống giám sát hành trình tàu cá của Tổng cục Thủy sản cho các cơ quan liên quan và các địa phương ven biển. Trước khi tàu cá xuất bến, ngành chức năng không chỉ kiểm tra các thủ tục, giấy tờ theo quy định mà còn kiểm tra niêm phong, kẹp chì, tình trạng hoạt động của thiết bị gám sát hành trình.

Ngư dân Bình Định kiểm tra thiết bị giám sát hành trình trước khi cho tàu xuất bến. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ngư dân Bình Định kiểm tra thiết bị giám sát hành trình trước khi cho tàu xuất bến.

“UBND tỉnh đã ban hành quy chế quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu của hệ thống giám sát hành trình tàu cá trong tỉnh, quyết định này có hiệu lực từ ngày 1/6/2020. Theo đó, Sở NN-PTNT ban hành quy trình xử lý tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình, tàu hoạt động ngoài vùng tự do đánh bắt bị cảnh báo để làm căn cứ phối hợp các ngành liên quan xử lý”, ông Phúc cho hay.

Cũng theo ông Phúc, Chi cục Thủy sản Bình Định là đầu mối theo dõi, giám sát tàu cá qua cơ sở dữ liệu, khi phát hiện tàu cá vượt ranh giới ra ngoài vùng biển Việt Nam theo bản đồ trên thiết bị giám sát hành trình, Chi cục Thủy sản phải thông báo cho các ngành liên quan, chính quyền các địa phương liên hệ yêu cầu tàu quay trở lại vùng biển Việt Nam. Những trường hợp bị cảnh báo này, khi tàu về bờ, ngành chức năng sẽ xác minh, củng cố chứng cứ nếu phát hiện vi phạm sẽ bị xử phạt.

“Với trường hợp tàu cá mất tín hiệu kết nối, chúng tôi liên lạc với chủ tàu, thuyền trưởng yêu cầu khắc phục sớm nếu thiết bị hỏng và sử dụng thiết bị thông tin liên lạc trên tàu cá báo cáo hành trình tàu theo tần suất 6 giờ/lần. Trong thời hạn 10 ngày, nếu tàu cá đó chưa khắc phục được sự cố về thiết bị giám sát hành trình thì buộc chủ tàu hoặc thuyền trưởng phải cho tàu quay về bờ. Nếu tàu cá ấy không chấp hành, cố tình vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật”, ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, cho biết. 

“Đến thời điểm này, Bình Định đã có 3.083/3.162 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đang hoạt động khai thác thủy sản đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; chỉ còn 77 tàu chưa lắp đặt thiết bị và ngành chức năng đã thu hồi giấy phép khai thác thủy sản các trường hợp này”, ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định.

(Theo NNVN)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục