Liên minh Châu Âu ghi nhận nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU của Việt Nam

Trải qua 4 đợt thanh tra vào các năm 2018, 2019, 2022 và 2023, EC đánh giá kết quả triển khai công tác chống khai thác IUU của Việt Nam có nhiều tiến bộ so với trước nhưng chưa giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế nên chưa gỡ được cảnh báo thẻ vàng IUU...
Liên minh Châu Âu ghi nhận nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU của Việt Nam
Việt Nam đang nỗ lực kiểm soát đánh bắt hải sản để gỡ thẻ vàng IUU. 

Liên minh Châu Âu ghi nhận phía Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực trong thực hiện những khuyến nghị chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Tuy nhiên, phía Việt Nam cần đạt được thêm những tiến bộ trong thời gian tới để EU có thể gỡ bỏ thẻ vàng.

Đó là khẳng định của ông Julien Guerrier, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, trong buổi làm việc của Phái đoàn với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam - Lê Minh Hoan vào ngày 4/4 tại Hà Nội.  

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện có 524 doanh nghiệp chế biến thủy sản của Việt Nam được phép xuất khẩu thủy sản vào EU.  Trước đây, việc xuất khẩu thủy sản vào thị trường này khá thuận lợi. Tuy nhiên, từ năm 2017, Ủy ban Châu Âu (EC) đã đưa ra cảnh báo “Thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đối với Việt Nam. 

Trải qua 4 đợt thanh tra vào các năm 2018, 2019, 2022 và 2023, EC đánh giá kết quả triển khai công tác chống khai thác IUU của Việt Nam có nhiều tiến bộ so với trước nhưng chưa giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế nên chưa gỡ được cảnh báo thẻ vàng IUU.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, việc bị áp dụng thẻ vàng IUU kéo dài nhiều năm, khiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này sụt giảm liên tục từ năm 2017.

Cụ thể, sau 2 năm chịu tác động từ thẻ vàng, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU đã lập tức sụt giảm 12%, tương đương 183,5 triệu USD. Xu hướng này còn nặng nề hơn nữa vào năm 2020, do tác động kép bởi dịch Covid -19 và thẻ vàng IUU, xuất khẩu thủy sản sang EU tiếp tục giảm thêm 5,7% so với năm 2019, chỉ đạt 959 triệu USD. Đến năm 2022, EU đã tụt từ vị trí thứ 2 xuống vị trí thứ 4 trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam, sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh Việt Nam và EC trao đổi về tăng cường hợp tác để thúc đẩy phát triển bền vững ngành thủy sản Việt Nam không chỉ vì xóa thẻ vàng IUU mà còn vì tương lai của Việt Nam.

Hiện tại Việt Nam đã xây dựng Chương trình quốc gia Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản đến năm 2030 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào đầu năm 2024. Chương trình nhằm mục tiêu phục hồi và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái thủy sinh góp phần phát triển thủy sản bền vững, giữ gìn tính đa dạng sinh học, giá trị tài nguyên sinh vật của Việt Nam. 

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh ( địa phương có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản), tổ chức Hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển, nhìn từ Quảng Ninh với chủ đề “Nuôi biển, vì nguồn sống xanh cho thế hệ mai sau”. Theo đó, Việt Nam định hướng và triển khai phát triển nuôi biển để giảm khai thác, đồng thời tạo sinh kế cho ngư dân, tháo gỡ những xung đột lợi ích trong không gian biển. Sắp tới, Việt Nam sẽ cử một Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến dẫn đầu sang làm việc với EC về phát triển thủy sản bền vững và thẻ vàng IUU. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị EC xem xét, chia sẻ những khó khăn, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật và nguồn lực giúp Việt Nam triển khai tốt công tác thực thi, sớm gỡ cảnh báo thẻ vàng  IUU cho Việt Nam.  

Về phía EU, Đại sứ Julien Guerrier đánh giá cao tinh thần chủ động của Việt Nam trong nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU, đặc biệt là quyết tâm nâng cao năng lực của cộng đồng ngư dân, hiện đại hóa ngành sản xuất có truyền thống lâu đời.

Đại sứ cũng ghi nhận các biện pháp và giải pháp mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đưa ra nhằm thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ chống khai thác IUU theo hướng dẫn của Chính phủ Việt Nam. Đồng thời kỳ vọng Bộ sẽ có báo cáo đầy đủ về tiến độ đáp ứng các yêu cầu của châu Âu cùng một số khuyến nghị mà EC đưa ra vào đợt thanh tra lần thứ 4 vừa qua.

“Việt Nam cần tăng cường khuôn khổ pháp lý ở cấp tỉnh, đồng thời trang bị thiết bị cần thiết để quản lý tàu cá. Chúng ta đã đến giai đoạn để có thể gỡ bỏ thẻ vàng IUU cho Việt Nam, tuy nhiên trách nhiệm nằm ở phía các bạn để chứng minh cho thế giới thấy trách nhiệm kiểm soát nguồn lợi thủy sản minh bạch và hợp pháp”, Đại sứ Julien Guerrier nhấn mạnh.

Theo Vneconomy 

Chia sẻ:


Email: tannd@vasep.com.vn
Điện thoại

Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục