EU muốn điều tra việc Trung Quốc bán phá giá loin cá ngừ hấp

(vasep.com.vn) Tổ chức Nghề cá Europêche đã gửi đơn khiếu nại tới các quan chức EU đề nghị phải bắt đầu một cuộc điều tra chống bán phá giá liên quan tới việc nhập khẩu loin cá ngừ hấp đông lạnh, chủ yếu là cá ngừ vằn, từ Trung Quốc vào EU. Tổ chức này cáo buộc quốc gia Châu Á vi phạm các quy tắc thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và gây thiệt hại kinh tế cho ngành đánh bắt của EU bằng cách áp đảo thị trường với các sản phẩm có giá thấp. Trung Quốc bị cáo buộc đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) và lạm dụng lao động.

Theo thông cáo báo chí đưa ra vào ngày 28/9/2020, Europêche cho biết họ đã cung cấp cho các nhà chức trách EU thông tin về việc Chính phủ Trung Quốc đã có các khoản viện trợ bất hợp pháp và giảm thuế cho các nhà XK loin cá ngừ và cá ngừ đóng hộp của nước này.

Tổ chức này nhấn mạnh, khối lượng loin cá ngừ nhập khẩu có giá thấp đang tràn ngập thị trường EU, và những sản phẩm này có giá thấp là nhờ các khoản trợ cấp cạnh tranh từ Chính phủ Trung Quốc cho các nhà sản xuất của họ. Hơn nữa, Trung Quốc còn được hưởng ưu đãi thuế quan khi NK vào EU theo mức hạn ngạch thuế quan tự trị (ATQ) dành cho sản phẩm loin cá ngừ hấp đông lạnh mỗi năm.

Tổ chức này cho biết ngành khai thác thuỷ sản Châu Âu kêu gọi EU loại bỏ mọi hành vi vi phạm thuế quan hiện tại và trong tương lai đối với loin cá ngừ, sản phẩm được nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, để giảm thiểu việc gián đoạn thị trường và kinh tế.

Quy định về mức hạn ngạch ATQ là một chủ đề nhức nhối đối với một số tổ chức đánh bắt của Châu Âu trong thời gian qua. Theo quy định về ATQ, các nhà XK có thể được hưởng ưu đãi thuế quan khi cung cấp 30.000 tấn loin cá ngừ hấp đông lạnh sang EU. Và liên tục trong quý đầu tiên hàng năm, một lượng lớn loin cá ngừ của Trung Quốc được NK vào khối thị trường này thông qua quy định này.

Trong thông cáo báo chí của Europêche, Chủ tịch của Europêche cho biết EU nên hướng tới việc một sân chơi bình đẳng giữa thuỷ sản do EU sản xuất và nước thứ 3 sản xuất.

Đầu năm nay, Hiệp hội các Nhà sản xuất Cá ngừ cỡ lớn đông lạnh (OPAGAC) Tây Ban Nha cũng đã tuyên bố rằng đã đến lúc Châu Âu xem xét lại các tiêu chí của mình đối với các sản phẩn thuỷ sản khai thác được NK từ các đội tàu Trung Quốc, đội tàu vốn có các trường hợp về sử dụng nô lệ hiện đại và lạm dụng lao động. OPAGAC là tổ chức bao gồm các chủ tàu, một số trong đó có đầu tư nhiều vào chế biến, và trong vai trò này họ cũng đã mua một số lượng lớn loin cá ngừ hấp của Trung Quốc.

Theo Europêche, một nghiên cứu gần đây cho thấy Trung Quốc đã mở rộng phạm vi hoạt động của các đội tàu đánh bắt ra các vùng biển ngoài khơi xa không được kiểm soát, điều này đã đe doạ đến an ninh lương thực và nền kinh tế của các cộng đồng ven biển trên toàn thế giới. Hơn thế nữa hoạt động đánh bắt này có thể thực hiện được do việc miễn thuế, trợ cấp nhiên liệu và hỗ trợ đóng tàu mà chính quyền Trung Quốc hầu như không công khai.

Trung Quốc tăng xuất khẩu loin cá ngừ hấp sang EU

Theo số liệu thống kê của Eurostat, Trung Quốc đang tích cực mở rộng thị trường tại các nước Châu Âu và là nhà XK loin cá ngừ hấp đông lạnh lớn thứ 2 sang khu vực thị trường này. So với Ecuador, nhà XK lớn nhất, đất nước Châu Á này trong vài năm qua đã chào bán sản phẩm của mình với giá cực kỳ cạnh tranh. Trong năm 2019, Trung quốc đã xuất khẩu 27.861 tấn loin cá ngừ hấp đông lạnh, trị giá 3.968 EUR sang các nước EU, trong đó phần lớn loin cá ngừ được nhập khẩu thông qua ATQ để được miễn thuế. Ecuador cũng đã XK nhiều hơn Trung Quốc khoảng 830 EUR.

Thái Lan, nước từng thống trị phân khúc sản phẩm này tại EU thông qua ATQ, nhưng kể từ khi có sự gia nhập của Trung Quốc đã không thể cạnh tranh được. Năm ngoái, các nhà sản xuất cá ngừ Thái Lan chỉ xuất khẩu được 2.795 tấn.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc cung cấp các sản phẩm của mình với giá thấp không có nghĩa là các sản phẩm của nước này sẽ tràn ngập thị trường EU thông qua XK. Giới hạn 30.000 tấn theo ATQ đã ngăn chặn điều này xảy ra. Mức thuế 24% mà các sản phẩm của Trung Quốc bị áp ngoài hạn ngạch đã giúp Ecuador tiếp tục là nhà cung cấp chính cho EU.

Số liệu thống kê cho thấy, các nhà sản xuất Trung Quốc có thể XK loin cá ngừ sang EU với mức giá mà không quốc gia chế biến nào có thể cạnh tranh được, và thậm chí không thể áp sát. Điều này càng làm tăng nghi ngờ của Europêche về các hành vi bán phá giá. Sự tăng trưởng vượt bậc khối lượng XK của Trung Quốc sang EU trong 3 năm qua càng củng cố thêm cho lập luận này.

Những người được hưởng lợi chính trong năm 2019 là các nhà chế biến Tây Ban Nha. Những người đã NK 24.997 tấn loin cá ngừ từ Trung Quốc, gần như toàn bộ khối lượng XK của quốc gia Châu Á này. Điều này không có gì ngạc nhiên vì chi phí cho lao động làm sạch loin cá ngừ của quốc gia Châu Á này rẻ hơn so với của Tây Ban Nha và tiết kiệm đáng kể nhân lực cho các nhà máy sản xuất đồ hộp.

Hiện không vẫn chưa có thông tin gì về việc EU có thực hiện các bước chính thức tiếp theo sau khiếu nại của Europêche và bắt đầu điều tra về chống bán phá giá hay không. Tuy nhiên, hiện các nhà chế biến EU đang phụ thuộc vào nguồn cung loin cá ngừ nhập khẩu từ các nước ngoài khối. Hội đồng Châu Âu dự kiến sẽ sớm nhất trí về mức hạn ngạch ATQ cho giai đoạn 2021 và 2022.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục