Tại công văn số 160/2014/CV-VASEP, Hiệp hội có ý kiến góp ý cụ thể như sau:
1. Đối tượng tham gia BHXH bắt buộc:
- Theo Điều 2, Mục 1, Phần b Bản Dự thảo: bổ sung thêm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là “người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng”: quy định này làm tăng các thủ tục, chí phí cho các DN, nhất là các DN trong ngành chế biến XK thủy sản thường xuyên sử dụng lao động mùa vụ và có biến động về nguồn nhân lực.
- Theo Điều 2, Mục 1, Phần a Bản dự thảo: bổ sung thêm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là “người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng kể cả hợp đồng lao động được ký kế giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật lao động”: quy định đối với độ tuổi lao động dưới 15 tuổi trong Dự thảo là trái với quy định tại Điều 3, Bộ luật Lao động năm 2012.
Kiến nghị: xóa bỏ các đối tượng bổ sung này.
2. Các hành vi bị nghiêm cấm: Tại Điều 16, Điểm 4 Bản Dự thảo qui định (a) Không cấp sổ hoặc thẻ BHXH hoặc không chốt sổ BHXH đúng hạn; (b) Không trả sổ BHXH đúng hạn cho người lao động khi người lao động không còn làm viêc; (c) Không giải quyết hoặc giải quyết chế độ bảo hiểm không đúng thời hạn quy định
Kiến nghị:
- Quy định rõ thời hạn chốt sổ hoặc thẻ BHXH, phù hợp với khả năng thực hiện của DN và cơ quan BHXH.
- Trong trường hợp, cơ quan BHXH chậm giải quyết chế độ bảo hiểm thì Cơ quan nhà nước không được xử phạt doanh nghiệp.
3. Thay đổi số ngày trong tháng để tính trợ cấp ốm đau, thai sản: từ 26 ngày xuống 24 ngày ( Điều 27 và điều 37 của bản dự thảo). Như vây :
- Tiền lương làm thêm giờ và trợ cấp của các DN sẽ tăng nếu tính mức hưởng chế độ ốm đau chia cho 24 ngày. Điều này sẽ làm tăng chi phí của doanh nghiệp.
- Chưa có văn bản pháp luật nào đề cập đến 24 ngày làm việc (số ngày làm việc nhiều nhất trong một tháng là 26 ngày, theo Luật Lao Động 2012).
Kiến nghị: nên giữ nguyên như hiện tại.
4. Tăng tuổi nghỉ hưu và tăng tuổi hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động (Điều 53 và Điều 54 phần 1 của bản dự thảo).
Theo Bản dự thảo, tuổi nghỉ hưu của nam tăng lên là 62 tuổi và nữ tăng lên là 60 tuổi. Theo đó, tuổi hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động cũng tăng từ 50 lên 55 tuổi áp dụng với nam và từ 45 lên 50 tuổi áp dụng với nữ. Điều này cũng trái với quy định tại Điều 187, Bộ luật lao động năm 2012.
Điều này thực sự không phù hợp với tình trạng sức khỏe của người lao động Việt Nam, nhất là lao động trong ngành thủy sản và nhiều ngành khác có yếu tố sản xuất kéo dài.
Kiến nghị: giữ như hiện tại
5. Điều 55: qui định về tỷ lệ khấu trừ tiền lương hưu hàng tháng và Mở rộng thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu 45% đối với người về hưu trước tuổi.
Hiện nay người lao động nữ đóng BHXH 25 năm sẽ được nhận lương hưu 75% và mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi qui định sẽ giảm 1%. Nếu theo bản Dự thảo (Điều 55, phần 1 và phần 3) thì phải làm việc 35 năm họ mới được nhận lương hưu 75% và mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi qui định sẽ giảm 2% . Như thế, quyền lợi của người lao động bị giảm rất nhiều.
Kiến nghị: Giữ nguyên như hiện tại.
6. Tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH bắt buộc:
Theo Điều 89 mục 2 Bản Dự thảo quy định “Đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương ghi trên hợp đồng lao động theo pháp luật lao động”
Kiến nghị: Đề nghị quy định rõ các khoản phụ cấp lương phải tham gia đóng BHXH bởi vì hiện tại phụ cấp lương tại các DN bao gồm rất nhiều mục như: trách nhiệm, công việc, độc hại, nặng nhọc, chuyên cần, thâm niên, thưởng,…và để tính được chi tiết, cụ thể để áp dụng đóng BHXH bắt buộc là rất mất thời gian và khó khăn.
Đề nghị giữ nguyên hiện tại vì lương hàng tháng để đóng BHXH bao gồm cả trợ cấp lương sẽ không phù hợp, không đồng nhất tại các DN vì có những phụ cấp luật không bắt buộc và sẽ tăng chi phí cho doanh nghiệp.
7. Điều kiện hưởng BHXH cho lao động nữ nghỉ dưỡng thai:
Cần thắt chặt hơn cho đối tượng người lao động nữ đã đóng BHXH trên 12 tháng đang mang thai nhưng phải nghỉ việc để dưỡng thai theo yêu cầu cầu cơ sở khám chữa bệnh: phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Kiến nghị: Giữ nguyên hiện tại.