(vasep.com.vn) Sáng ngày 10/6/2024, tại Tp Hồ Chí Minh, Hiệp hội VASEP đã tổ chức Hội nghị toàn thể hội viên 2024 với sự tham gia của hơn 250 đại biểu đến từ các doanh nghiệp hội viên VASEP. Hội nghị đặc biệt vinh dự có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, Chủ tịch Danh dự VASEP - Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Lãnh đạo Cục Thuỷ sản, Cục Kiểm ngư, Cục Nafiqpm, đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Lãnh đạo các Sở, Ban ngành địa phương và các cơ quan ban ngành khác...
Nền kinh tế thế giới vừa trải qua quý 1/2024 với nhiều biến động phức tạp, khó lường, trong đó, căng thẳng địa chính trị giữa các nước lớn, xung đột quân sự Nga-Ukraine cũng như ở Trung Đông tiếp tục tác động tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Xung đột chính trị leo thang đã đẩy giá hàng hoá, dịch vụ, năng lượng tăng trở lại, giá vàng tăng kỷ lục. Cùng với đó, những bất lợi trong cuộc chiến chống lạm phát ở Mỹ, Châu Âu đang làm chậm lại tiến trình bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ. Cạnh tranh thương mại - công nghệ, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng cũng là những yếu tố cản trở sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
Ngành thủy sản đang đối mặt với tình hình thiếu hụt nguyên liệu cả nuôi trồng lẫn đánh bắt tự nhiên. Ngành nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng quá trình đô thị hóa nên các biến động từ quy hoạch đất cho sản xuất tại nhiều địa phương và chính những quy hoạch về sử dụng đất chưa đồng bộ đang là thách thức lớn cho cả doanh nghiệp và người nuôi thủy sản. Ngoài ra biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề môi trường cấp bách nhất hiện nay, tác động tiêu cực đến nuôi trồng thủy sản, cụ thể hiện tượng thời tiết cực đoan, hạn hán, xâm nhập mặn, nhiệt độ tăng là một trong những tác động rõ ràng nhất của biến đổi khí hậu. Tình hình nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng đến khả năng thích nghi sinh trưởng và phát triển, làm suy giảm sức đề kháng, tăng nguy cơ dịch bệnh dẫn đến hiệu quả nuôi kém. Nguồn hải sản khai thác cũng gặp khó khăn khi tài nguyên ngày càng cạn kiệt, sản lượng khai thác không đủ đáp ứng nhu cầu, nên phải thêm nguồn cung từ nhập khẩu. Tuy nhiên, quy định của thị trường EU và các qui định mới của Việt Nam liên quan đến khai thác IUU đang khiến cho nút thắt nguyên liệu thêm tắc nghẽn.
Trong bối cảnh đầy khó khăn và thách thức đó, xuất khẩu thủy sản Việt Nam 5 tháng đầu năm 2024 đạt 3,6 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước... các mặt hàng và thị trường xuất khẩu đều tăng nhẹ cho thấy có sự phục hồi so với năm 2023. Dù chưa bằng cùng kỳ năm 2022, nhưng đây được đánh giá là kết quả đáng khích lệ trên con đường phục hồi và phát triển của ngành.
Dự báo quý 2 và thời gian còn lại của năm 2024, sự phục hồi của xuất khẩu thủy sản tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn do những rủi ro và yếu tố bất định trên thế giới tiếp tục ảnh hưởng tới nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam.
Từ thực tế trên, Hội nghị toàn thể hội viên VASEP năm 2024 được tổ chức nhằm xác định những vấn đề chiến lược ưu tiên trong hoạt động của Hiệp Hội trong thời gian tới cũng như cùng nhau thảo luận trao đổi và vạch ra những chương trình, kế hoạch, biện pháp hữu hiệu để giải quyết các vấn đề, vượt qua thách thức và hướng đến mục tiêu XK thủy sản đạt 10 tỷ USD trong năm 2024.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã đánh giá cao vai trò của VASEP trong bối cảnh ngành phải đối mặt với rất nhiều thách thức hiện tại. Thứ trưởng mong muốn VASEP tiếp tục hoàn thành tốt vai trò cầu nối giữa DN và Chính phủ, giữa DN và cộng đồng ngư dân và các thị trường quốc tế, đưa thủy sản Việt Nam ra thị trường quốc tế, đóng góp vào sự phát triển ngày một lớn mạnh và bền vững của ngành, giữ vững vị thế là quốc gia đứng thứ 3 thế giới về cung cấp thủy sản.
Thứ trưởng cũng bảy tỏ mong muốn VASEP từ nay đến cuối năm 2024 tập trung: Thường xuyên đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất giải pháp, kịp thời thông tin để người dân biết, có kế hoạch sản xuất phù hợp, tăng cường hợp tác giữa các DN trong tiếp cận, mở rộng thị trường, tuân thủ quy định thị trường; Thông báo kịp thời tới Bộ, Ngành liên quan về các vướng mắc trong quá trình XK để xử lý kịp thời, chủ động đề xuất sửa đổi, hoàn thiện chính sách, tạo điều kiện cho hoạt động XK; Tiếp tục vận động Hội viên áp dụng công nghệ mới để giảm giá thành sản xuất, đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhân rộng mô hình hiệu quả, phát triển thị trường, đấu tranh với các rào cản kỹ thuật…
Sự đồng lòng của các thành viên Hiệp hội cùng với sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước, sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Bộ NN&PTNT và các cơ quan Bộ ngành sẽ giúp ngành vượt qua thách thức và tiếp tục phát triển lớn mạnh, khẳng định vị trí và tiềm lực phát triển của ngành thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
Tại Hội nghị, đại diện các DN tôm, cá tra, hải sản cũng trình bày các tham luận về nhu cầu thị trường và mục tiêu xuất khẩu tôm năm 2024, kiến nghị xây dựng hình ảnh và Marketing cho cá tra Việt Nam, kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho sản xuất xuất khẩu cá ngừ, tiềm năng xuất khẩu mực-bạch tuộc, surimi của Việt Nam, những nỗ lực của Hiệp hội & cộng đồng DN trong tháo gỡ thẻ vàng IUU…
Một số hình ảnh tại Hội nghị:
Các tài liệu trong Hội nghị toàn thể hội viên VASEP 2024:
1. Diễn văn khai mạc Hội nghị
2. Báo cáo kết quả hoạt động 2023-2024 và phương hướng hoạt động của Hiệp hội năm 2024-2025
3. Nỗ lực của Hiệp hội và cộng đồng DN trong tháo gỡ thẻ vàng IUU
4. Nhu cầu thị trường và mục tiêu XK tôm năm 2024
5. Truyền thông cơ bản cho ngành cá tra Việt Nam
6. Kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho sản xuất xuất khẩu cá ngừ
7. Tiềm năng ngành hàng mực-bạch tuộc, kiến nghị
8. Tiềm năng XK surimi Việt Nam, kiến nghị