(vasep.com.vn) Các Hiệp hội luôn ủng hộ và tích cực tham gia các hoạt động để bảo vệ môi trường và rất cảm ơn Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đăng tải “Dự thảo Thông tư ban hành quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải” (sau đây gọi tắt là Dự thảo) trên website của Bộ để lấy ý kiến góp ý đến ngày 15/10/2022.
Sau khi nghiên cứu kỹ, các Hiệp hội cho rằng Dự thảo còn nhiều điểm bất hợp lý và mâu thuẫn với Luật Bảo vệ Môi trường, Nghị định 08/2022/NĐ-CP và các quy định pháp luật hiện hành; ảnh hưởng lớn đến niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp khi việc sử dụng nguồn tài chính đóng góp của các doanh nghiệp vào bảo vệ môi trường chưa thật sự đảm bảo đúng mục đích, cụ thể:
- Các quy định về Văn phòng EPR có nhiều điểm mâu thuẫn với Luật Bảo vệ Môi trường, Nghị định 08/2022/NĐ-CP và các quy định pháp luật hiện hành; gây phát sinh thêm biên chế; các khoản tài chính đóng góp của các doanh nghiệp được sử dụng vào các mục đích không liên quan trực tiếp đến tái chế, xử lý chất thải:
+ Sử dụng không đúng mục đích khoản tài chính được đóng góp từ các doanh nghiệp
+ Văn phòng EPR làm tăng biên chế: Điều 24 Dự thảo: quy định “Văn phòng EPR quốc gia” “là đơn vị sự nghiệp công, tự chủ về biên chế và tài chính”, lương thưởng như cán bộ trong biên chế.
+ Quyền hạn Văn phòng EPR rất lớn và không phù hợp với Nghị định 08/2022/NĐ- CP, nhưng chưa có quy định trách nhiệm, chưa có cơ cấu tổ chức rõ ràng.
Theo đó, các Hiệp hội kiến nghị: Cần sửa lại Dự thảo cho đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 08/2022/NĐ-CP nhằm đảm bảo tính hợp pháp, tính thống nhất của Dự thảo và không phát sinh biên chế, không sử dụng tiền đóng góp của doanh nghiệp sai mục đích. Cần quy định rõ ràng cơ cấu tổ chức, quyền hạn, trách nhiệm của Văn phòng EPR.
- Chưa có quy định về Hội đồng EPR. Như vậy, khó thực hiện việc giám sát sử dụng khoản đóng góp được minh bạch, đúng mục đích.
Theo đó, các Hiệp hội kiến nghị: Bổ sung quy định về quy chế tổ chức và hoạt động Hội đồng EPR quốc gia trong Dự thảo, để thuận lợi cho quản lý, giám sát, và theo đúng Nghị định 08/2022/NĐ- CP
Thành phần của Hội đồng EPR, về phía doanh nghiệp, nên có ít nhất 1 đại diện của các Hiệp hội doanh nghiệp trong nước cho mỗi ngành hàng chủ lực của kinh tế Việt nam, và 1 đại diện của các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài (vì đây là 2 nguồn đóng góp tài chính chủ yếu), 1 đại diện đơn vị tái chế, 1 đại diện đơn vị xử lý chất thải, và 1 đại diện của VCCI với tư cách là tổ chức xã hội để theo đúng Nghị định 08/2022/NĐ-CP.
- Quản lý và sử dụng khoản đóng góp của doanh nghiệp theo cơ chế xin-cho với nhiều bất cập, nguồn kinh phí quản lý hành chính trái với Nghị định 08/2022/NĐ-CP:
+ Các khoản hỗ trợ đều theo cơ chế xin-cho, tập trung tại Bộ Tài nguyên Môi trường, rất khó khăn cho các tỉnh xa. Các tiêu chí xét duyệt hỗ trợ, mức hỗ trợ chưa được quy định rõ ràng. Không có quy định thời hạn phải giải ngân khoản đóng góp của doanh nghiệp để tái chế sản phẩm, xử lý chất thải.
+ Nguồn kinh phí quản lý hành chính trái với Nghị định 08/2022/NĐ-CP
Theo đó, các Hiệp hội kiến nghị: Cần quy định quy trình xin hỗ trợ và xét duyệt mức hỗ trợ làm online trên hệ thống dịch vụ công quốc gia, các địa phương không phải ra Hà Nội nộp hồ sơ giấy; Cần định lượng cụ thể các tiêu chí xét duyệt hỗ trợ, mức hỗ trợ; Cần quy định thời hạn giải ngân toàn bộ khoản đóng góp của doanh nghiệp của năm trước là trước 31/3 năm sau (đúng với thời gian nộp báo cáo tài chính); Quy trách nhiệm cụ thể nếu không giải ngân được đúng hạn; Bỏ mục b, khoản 2, điều 3 về Nguồn kinh phí quản lý hành chính
Hiện nay nhiều loại bao bì, sản phẩm, chất thải có thể tái sử dụng và mang lại lợi nhuận, thị trường tái chế bao bì, sản phẩm, xử lý chất thải rất sôi động, có nhiều công ty tham gia. Chỉ một số loại khó tái chế, khó xử lý và không mang lại lợi nhuận mới cần phải có sự hỗ trợ của nhà nước và đóng góp của doanh nghiệp. Vì vậy, các Hiệp hội đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung vào các chính sách thúc đẩy phát triển để thị trường này vận hành hiệu quả, đồng thời thiết lập cơ chế kiểm soát có sự tham gia rộng rãi của các hiệp hội ngành hàng chủ lực để đảm bảo đóng góp của doanh nghiệp được sử dụng rõ ràng, minh bạch, đúng mục đích như Luật Bảo vệ Môi trường đã nêu.
Các Hiệp hội kính đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét các góp ý hết sức chân thành và xây dựng trên để hoàn thiện Dự thảo, giúp quản lý và sử dụng đúng mục đích và hiệu quả khoản đóng góp của các doanh nghiệp để tái chế sản phẩm, bao bì, xử lý chất thải nhằm bảo vệ môi trường, phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành.
Văn bản của 12 Hiệp hội