Thay thế con tôm thẻ chân trắng ở vùng triều

Do sản xuất thua lỗ nên nhiều ao nuôi tôm ở vùng triều bị bỏ hoang. Ngành chức năng và người nông dân đã thay thế đối tượng chủ lực là con tôm thẻ chân trắng sang nuôi tôm sú, cua, cá..., cho hiệu quả khả quan.

 

Ông Nguyễn Thành Sinh bên mô hình nuôi cá dìa, tôm sú, cua sinh thái ở rừng đước. Ảnh: Q.VIỆT

Ông Nguyễn Thành Sinh bên mô hình nuôi cá dìa, tôm sú, cua sinh thái ở rừng đước. Ảnh: Q.VIỆT

Nuôi sinh thái ở rừng ngập mặn

Từ tháng 5 đến nay, Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam hỗ trợ 70% vật tư, con giống cá dìa, cua, tôm sú và cây đước để các nông hộ trên địa bàn thôn Diêm Điền và Long Thạnh (xã Tam Tiến, Núi Thành) nuôi thủy sản sinh thái ở rừng đước ngập mặn với diện tích 2ha, thay thế cho nuôi tôm thẻ chân trắng trước đây.

Ông Nguyễn Thành Sinh (thôn Diêm Điền) - nhóm trưởng của 4 nông hộ tham gia cho biết, mô hình đem lại tổng doanh thu 345 triệu đồng, trừ chi phí 83 triệu đồng (nông hộ đối ứng 30% vật tư, con giống), thu lãi 262 triệu đồng.

Theo ông Sinh, mỗi hộ lãi 65,5 triệu đồng sau 5 tháng nuôi thủy sản sinh thái là thành quả kinh tế đáng mừng.

“Trước đây, các điều kiện nguồn nước, bờ ao không đảm bảo, nước thẩm lậu các yếu tố gây bệnh vào ao nuôi tôm thẻ chân trắng nên phát sinh dịch bệnh, tôm chết lây lan, thua lỗ. Nuôi tôm sú, cá dìa, cua theo hướng sinh thái phù hợp hơn nên đem lại lợi nhuận cao. Cánh rừng đước đang phát triển cũng lại môi trường sinh thái thuận lợi...” - ông Sinh nói.

Ông Nguyễn Xuân Uy - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Tiến cho biết, trên địa bàn có 280ha ao nuôi tôm thẻ chân trắng kém hiệu quả, hầu hết bỏ hoang. Chuyển đổi sang trồng đước kết hợp nuôi tôm sú, cua, cá dìa sinh thái là bước đi phù hợp, địa phương khuyến khích người dân nhân rộng sau khi mô hình của Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai thành công.

“Nuôi ghép tôm sú, cua, cá dìa theo hướng sinh thái dưới rừng đước xã Tam Tiến giúp đa dạng hóa đối tượng thủy sản nuôi, thay đổi thế độc canh con tôm có nhiều rủi ro do dịch bệnh, giúp người nuôi yên tâm hơn trong đầu tư, hướng đến nuôi thủy sản vùng triều an toàn, bền vững. Trong khi đó, trồng rừng đước ngập mặn là định hướng sinh thái, môi trường xanh của tỉnh” - ông Uy nói.

TS.Lương Thị Thủy - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam cho rằng, thoái hóa đất ở vùng triều ven sông diễn biến ngày càng rõ rệt. Khí hậu đang diễn biến theo chiều hướng xấu đi, nước mặn lấn sâu vào đất liền, xói lở bờ sông, bờ biển diễn ra hàng ngày do mất rừng.

Trồng rừng ngập mặn kết hợp nuôi thủy sản sinh thái ở các vùng triều ven sông, ven biển là phù hợp bởi đa mục đích, vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường, lại có thể phục vụ du lịch. Do đó, cần nhân rộng mô hình triển khai hiệu quả ở xã Tam Tiến ra toàn tỉnh.

Đa dạng đối tượng và triển khai rộng khắp

Ở các vùng triều ven sông trên địa bàn TP.Hội An như Cẩm Châu, Cẩm Thanh, Cẩm Hà, người dân thay vì nuôi tôm thẻ chân trắng kém hiệu quả như trước đây đã chuyển sang nuôi cua, nuôi tôm càng xanh.

Ông Trần Sáu (khối phố An Mỹ, phường Cẩm Châu, TP.Hội An) cho biết, nuôi cua ở vùng triều qua 2 giai đoạn từ cua bột lên cua giống rồi sau đó nuôi cua thương phẩm, trong vòng 5 tháng thả nuôi, có thể thu hoạch, xuất bán khi cua đạt trọng lượng hơn 0,6kg/con. Với giá bán dao động 150 - 200 nghìn đồng/kg, mô hình của ông cho thu nhập khá.

“Nuôi cua không tốn nhiều thức ăn vì cua rất thích ăn rong, mùn bã hữu cơ, ốc. Ổn định môi trường nước trong nuôi cua rất quan trọng. Cần kiểm tra kỹ độ mặn, kiềm, pH và rào chắn cẩn thận, tránh thất thoát cua nuôi” - ông Sáu nói.

Ở các vùng triều ven sông xã Bình Nam, Bình Hải (Thăng Bình) hay Duy Thành, Duy Nghĩa (Duy Xuyên), người dân thay thế nuôi tôm thẻ chân trắng bằng nuôi tôm càng xanh, cá đối mục.

Ông Ngô Trà (thôn Vịnh Giang, xã Bình Nam) cho biết, ông nuôi cá đối mục với mật độ thưa nên phát triển tốt, hao hụt không nhiều, thu lợi gần 100 triệu đồng/vụ. Cá đối mục ăn hết rong, tảo, mùn bã hữu cơ ở tầng đáy nên giảm được nguy cơ gây ô nhiễm. Hoạt động của cá đối mục giúp lưu chuyển nước ở tầng đáy tốt hơn, môi trường nuôi được ổn định.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, từng bước chuyển đổi nuôi tôm thẻ chân trắng ở hơn 2.000ha ao nuôi vùng triều là hướng đi phù hợp. Các mô hình nuôi ghép thủy sản, nuôi tôm càng xanh, cá dìa, cá đối, cá chim vây vàng thực tế đã cho hiệu quả khá khả quan. Các nông hộ khi triển khai nuôi đối tượng thủy sản mới cần bám sát lịch mùa vụ, thu hoạch trước mùa mưa bão để tránh thất thoát.

Nuôi tôm ở vùng triều đã không còn phù hợp trong điều kiện môi trường nước mất cân bằng sinh thái, trang thiết bị nuôi tôm lại thiếu thốn, không có ao lắng, ao cấp nước. Với kết quả của các mô hình mới đã triển khai giúp người dân thay thế nuôi tôm thẻ chân trắng độc canh, chuyển sang phương thức nuôi thủy sản thân thiện với môi trường. Đó là động lực cho nông dân phát triển các vùng nuôi thủy sản tập trung, an toàn, mang tính hàng hóa, hướng đến sản xuất bền vững.

Theo báo Quảng Nam

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục