Gần đây theo thông tin từ một số DN hội viên nhận được tin từ các khách hàng Nhật Bản, kể từ khi Nhật Bản áp dụng chế độ kiểm tra chỉ tiêu Oxytetraxycline (OTC) với 100% lô tôm NK từ Việt Nam thì số lượng lô tôm bị phát hiện chỉ tiêu OTC vượt mức cho phép không giảm đi và nhiều lô hàng tôm bán qua Nhật bị trả về trong 2 tháng qua.
Ngoài ra, theo thông tin từ các nhà NK Nhật bản, là phía các nhà NK Nhật Bản đang đánh giá cao cơ quan chức năng Indonesia và Ấn Độ, bởi hai nước này có ngay hành động khắc phục triệt để khi tôm nước họ bán vào Nhật Bản bị sự cố. Hiện tại, các nhà NK Nhật Bản đang cân nhắc chuyển qua mua tôm từ Ấn Độ và Indonesia. Điển hình là nhiều nhà NK từ Nhật Bản đang tiến hành hướng dẫn nhà máy bên Ấn Độ làm hàng tôm duỗi thay thế cho các đơn hàng đang mua từ Việt Nam.
Trước tình hình khó khăn hiện nay, để giúp cho các DN vẫn giữ được khách hàng tại 2 thị trường NK lớn (Nhật Bản và EU), đồng thời, để bảo vệ hình ảnh của con tôm Việt Nam trên thị trường thế giới, Hiệp hội kính đề nghị Tổng cục Thủy sản triển khai các chỉ đạo quyết liệt hơn, cụ thể:
1. Chỉ đạo và hướng dẫn các cơ quan quản lý địa phương có biện pháp kiểm tra dư lượng Oxytetraxycline tại ao nuôi và đối chiếu với Nhật ký nuôi để có khuyến cáo, xử lý tình trạng lạm dụng kháng sinh.
2. Xem xét có Công văn yêu cầu các doanh nghiệp tăng cường kiểm tra nguyên liệu.
3. Có biện pháp đánh giá khoa học về tác dụng cũng như mức độ cần thiết sử dụng oxytetracycline cùng các biện pháp thay thế cho việc điều trị bệnh tôm để có quy định, hướng dẫn, tuyên truyền rộng rãi và cụ thể đến người nuôi tôm nhằm nâng cao nhận thức của người nuôi, giúp người nuôi vừa phòng bệnh tốt vừa không bị rủi ro tôm có dư lượng kháng sinh.
4. Tuyên truyền đến DN và người dân nuôi tôm về tăng cường kiểm soát hiệu quả OTC.