Ngày 05/01/2012, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 04/2012/TT-BTC (TT 04) quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong công tác thú y và có hiệu lực từ ngày 01/03/2012.
Căn cứ ý kiển phản ánh của nhiều doanh nghiệp (DN) thủy sản, hiện nay mức phí kiểm dịch lô hàng theo qui định tại TT 04 tăng quá cao, lên tới mức trên 300% so với qui định cũ tại Thông tư 199/2010/TT-BTC ngày 13/12/2010 của Bộ Tài chính (TT 199) do cách tính phân chia lô hàng có ấn định trọng lượng cụ thể theo tấn.
Hiệp hội đã triển khai lấy ý kiến các DN và đề xuất điều chỉnh lại mức phí như sau:
STT
|
Mức thu (đồng)
|
Đề xuất của Cục TY
|
Kiến nghị của VASEP
|
1.
|
100.000
|
≤ 12 tấn
|
≤ 24 tấn
|
2.
|
200.000
|
12 tấn < lô ≤ 50 tấn
|
> 24 tấn < lô ≤ 150 tấn
|
3.
|
300.000
|
50 tấn < lô ≤ 150 tấn
|
> 150 tấn < lô ≤ 300 tấn
|
4.
|
400.000
|
150 tấn < lô ≤ 300 tấn
|
> 300 tấn < lô ≤ 500 tấn
|
5.
|
Lũy tiến ≤ 3 triệu
|
Lô > 300 tấn
|
Lô > 500 tấn
|
Các kiến nghị trên của VASEP dựa trên các cơ sở như sau:
1. Việc thực hiện kiểm dịch lô hàng là thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác thú y, kính phí thực hiện nhiệm vụ này do ngân sách Nhà nước chi trả. Không thể đưa hầu hết các phần chi phí lương cán bộ, đi lại, bảo hộ lao động ....vào việc chiết tính mức thu từ chủ hàng.
2. Theo thông lệ quốc tế, lô hàng được hiểu theo nghĩa là lượng hàng hóa đồng nhất, được vận chuyển trên cùng một phương tiện, mà thông thường dưới dạng container, chưa có nước nào phân chia lô hàng theo trọng lượng tấn cả. Ngay cả tại Việt Nam, việc kiểm tra chất lượng, ATVSTP lô hàng xuất khẩu cũng được qui định là lượng hàng được chủ hàng đăng ký kiểm tra để xuất khẩu một lần cho một nhà nhập khẩu trên một phương tiện vận chuyển (qui định tại Thông tư 55/2011/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT). Việc Cục Thú y đưa ra mức thu phí kiểm dịch lô hàng dựa trên việc phân chia lô hàng theo trọng lượng tấn với khung chia nhỏ là chưa hợp lý, gây tốn kém cho DN và không phù hợp với thông lệ quốc tế.
3. Về trình tự, thủ tục kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản cũng như trên thực tế công việc kiểm dịch lô hàng thủy sản so với trước không có gì thay đổi so với trước đây, vẫn là kiểm tra hồ sơ và thực trạng lô hàng (kiểm cảm quan).
4. Hàng thủy sản đông lạnh bảo quản ở nhiệt độ - 180C không phải là đối tượng mang mầm bệnh và truyền dịch, không phải lấy mẫu xét nghiệm bệnh (theo quy định tại Phụ lục 1 Thông tư 06/2010) nên công tác kiểm dịch thủy sản sẽ đơn giản hơn, không mất công sức và chi phí so với việc thực hiện kiểm dịch động vật trên cạn.
5. Hiện nay, do khan hiếm nguyên liệu trong nước và việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu nhập khẩu ngày càng khó khăn, để gia tăng xuất khẩu, giảm chi phí, có đủ nguyên liệu dự trữ để sản xuất trong năm, chủ động trong việc ký kết hợp đồng với khách hàng và đảm bảo công ăn việc làm thường xuyên cho người lao động, nhiều DN phải nhập với số lượng hàng lớn, nhất là vào những thời điểm mùa vụ tới, việc nhập cả tàu là chuyện bình thường trong thời điểm thiếu nguyên liệu như hiện nay. Nhất là trên cơ sở tỷ lệ chế biến, với sản phẩm thủy sản tỷ lệ chế biến hiện nay đang ở mức 2.0 – 3.0 (từ 2 – 3 cont nguyên liệu mới được 1 cont sản phẩm). Nếu tăng cường chế biến hàng GTGT để tăng giá trị thì tỷ lệ này càng lớn hơn. Việc áp dụng qui định tại TT04 của Bộ Tài chính về phí kiểm dịch lô hàng như trên sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc tăng cường nhập khẩu để gia tăng xuất khẩu vì chi phí kiểm dịch tăng quá cao.
6. Năm 2012 và thời gian tới là thời gian có nhiều khó khăn đối với các DN thủy sản khi vốn bị thắt chặt, hàng loạt chi phí đầu vào đều tiếp tục tăng từ 10-35% so với năm 2011 (điện, nước, lương, nguyên liệu thủy sản, chi phí kiểm nghiệm, xăng dầu, bao bì ....), nay lại xuất hiện thêm việc tăng phí kiểm dịch lô hàng theo qui định tại TT 04 sẽ tăng thêm gánh nặng và giảm sức cạnh tranh của các DN thủy sản XK.
7. Để hỗ trợ ngành thủy sản thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xuất khẩu đạt 6,5 tỷ USD năm 2012, tiến tới 8 tỷ USD vào năm 2015 và 10 tỷ USD vào năm 2020, Chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ ngành thủy sản để tăng cường xuất khẩu, cải cách Thủ tục hành chính (TTHC), tạo điều kiện thông thoáng hỗ trợ các DN vượt qua khó khăn, tăng năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu. Trong khi đó công tác kiểm dịch thủy sản không có thay đổi gì lớn về qui trình thực hiện, nên sẽ là bất hợp lý nếu việc gia tăng thu phí kiểm dịch trong bối cảnh Chính phủ đang cố gắng hỗ trợ ngành.
8. Hiệp hội và cộng đồng DN chấp thuận đưa ra đề xuất mức thu phí trên một mặt vẫn đảm bảo công tác kiểm dịch có thu phí của Cục Thú y nhưng với mức thu hợp lý không làm ảnh hưởng lớn tới chi phí đầu vào của DN, mặt khác DN cũng mong muốn được đóng góp, chia sẻ với Cục Thú y để thực hiện tốt những nhiệm vụ được giao của Nhà nước trong công tác thú y thủy sản.
Trên đây là ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội VASEP xin chuyển tải tới các cơ quan quản lý chức năng để xem xét và chấp thuận đề nghị của VASEP nhằm hỗ trợ thêm DN giảm bớt khó khăn, giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh của DN, duy trì hoạt động xuất khẩu thủy sản trong bối cảnh khó khăn chồng chất như hiện nay.