Tại công văn 250/2013/CV-VASEP, Hiệp hội có ý kiến góp ý như sau:
I. Về cơ bản: Hiệp hội nhất trí với những quy định trong Dự thảo, tuy nhiên vẫn còn 1 số quy định chưa thật phù hợp với thực tế và giữa các điều với nhau, đồng thời quy định về cách tính lãi suất cho vay cũng chưa thật hỗ trợ so với mức lãi suất của các Ngân hàng Thương mại nếu cộng thêm chi phí dự phòng rủi ro.
II. Góp ý chi tiết 1 số Điều:
1. Điều 9: Thời hạn cho vay
Đề nghị: Chọn Phương án 2
Lý do: Hiện nay, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố khách quan như: thiên tai, giải phóng mặt bằng, chi phí sản xuất luôn thay đổi và tăng cao… đã ảnh hưởng tới tiến độ sản xuất, kinh doanh, nên đối với những đối tượng gặp khó khăn này cần phải có chính sách phù hợp để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn.
2. Điều 12: Lãi suất cho vay
Đề nghị:
- Bỏ “chi phí dự phòng rủi ro” (quy định tại Khoản 1) trong cách tính lãi suất cho vay do Ngân hàng Phát triển Việt Nam quyết định hàng tháng và niêm yết công khai.
- Đối với mức lãi suất nợ quá hạn đối với mỗi khoản giải ngân (quy định tại Khoản 3) nên chia theo khung thời gian, không nên áp dụng theo 1 mức là 150% mà tăng dần theo thời gian nợ quá hạn. Ví dụ: Nợ quá 3 tháng khác với 6 – 9 - 12 tháng hoặc trên 1 năm.
Lý do: Để tạo thêm điều kiện cho những DN chấp hành tốt quy định nhưng vì 1 lý do nào đó mà chậm thanh toán, nhưng thời gian chậm không nhiều so với DN nợ dài ngày, để hỗ trợ DN giảm bớt chi phí đầu vào, tăng năng lực cạnh tranh.
3. Điều 19: Thời hạn cho vay
Đề nghị: Chọn phương án 2, bỏ chữ “Riêng” và bổ sung thêm vào Khoản 1 như sau: “Đối với cho vay nuôi thủy sản phục vụ xuất khẩu, thời hạn cho vay giai đoạn nuôi tối đa 12 tháng, riêng đối với nuôi biển thời hạn cho vay tối đa 36 tháng”
Lý do: Trên thực tế hiện nay, nếu là nuôi tôm và cá tra thì thời gian 12 tháng là phù hợp, nhưng đối với nuôi hải sản ở biển thì 12 tháng không đủ cho 1 chu kỳ nuôi. Ví dụ: cá biển và 1 số hải sản như tôm hùm, cá ngừ, hải sâm, bào ngư... phải mất thời gian khoảng 24 - 36 tháng (3 năm). Hiện nay, do nguồn khai thác biển ngày càng cạn kiệt, nguồn nguyên liệu biển ngày càng thiếu hụt trầm trọng, việc phát triển nuôi biển đang là nhu cầu cấp bách cần phải đầu tư phát triển. Việt Nam đang có lợi thế về nuôi biển do có bờ biểm dài, điều kiện khí hậu, tự nhiên rất thuận lợi cho nuôi biển nên hiện nay nhiều tỉnh đang tập trung phát triển ngành nuôi biển này, Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ để phát triển nhanh nghề nuôi biển, tạo thêm nguồn nguyên liệu dồi dào, cung cấp đủ cho chế biến XK và tiêu dùng nội địa.
4. Phụ lục I: Danh mục các Dự án vay vốn tín dụng đầu tư
Đề nghị: Bổ sung thêm vào Mục II (lĩnh vực Nông nghiệp, nông thôn): Các dự án công trình thủy lợi, điện phục vụ cho nuôi thủy sản.
Lý do: Hiện nay, các công trình thủy lợi phục vụ cho nuôi thủy sản còn thiếu và yếu, chưa được đầu tư thỏa đáng so với thực tế và nhu cầu phát triển. Thời gian qua người nuôi sử dụng nguồn nước theo các kênh thủy lợi nông nghiệp trồng lúa, hoặc các kênh còn hạn chế về kiểm soát nên đã tác động gây thiệt hại cho người nuôi do dịch bệnh và nhiễm kháng sinh. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư để xây dựng và hoàn thiện các vùng nuôi trọng điểm với hệ thống thủy lợi và hệ thống điện lưới hiện đại để phục vụ cho nuôi thủy sản, giảm bớt tình trạng dịch bệnh, góp phần tăng năng suất và sản lượng nuôi.
Vân Anh