Phúc đáp công văn số 3381/CHHVN-VTDVHH, ngày 21/8/2014 của Cục Hàng hải Việt Nam về việc báo cáo về tình hình thu phụ phí đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam, Hiệp hội VASEP, sau khi tổng hợp từ DN có ý kiến như sau:
Hiện nay, theo phản ánh của các DN thủy sản, ngoài cước vận chuyển, nhiều hãng tàu đã & đang thu thêm cả chục loại phụ phí: Phí dịch vụ container (THC), phí mất cân đối container (CIC, CIS), phí tắc nghẽn cảng (PCS), phí vệ sinh container, phí sửa chữa vỏ container, phí đặt cược container (đối với hàng đông lạnh), phí thủ tục, phí lưu kho bãi, phí chứng từ, phí giao hàng... Ngoài ra, các chủ tàu còn thu 1 số loại phụ phí mà các DN chưa đồng tình:
1. Phí THC
2. Phí mất cân đối container (CIS, CIS)
3. Phí vệ sinh container
4. Phí sửa chữa vỏ container
5. Phí tắc nghẽn cảng (PCS)
6. Phí đặt cược container lạnh
7. Phí Bill
8. Phí seal
9. Phí EBS (Emergency Bunker Surcharge)
10. Hàng xuất thì phải chịu thêm phí truyền dữ liệu
11. Tiền điện container lạnh hàng nhập
Theo tính toán của các DN, tổng chi phí đầu vào so với 2013, năm nay các loại phí này tăng 20-30% so với cùng kỳ, khiến lợi nhuận của doanh nghiệp giảm mạnh (xin xem chi tiết các loại phụ phí mà các hãng tàu đã thu tại 2 phụ lục gửi kèm cùng Công văn 163).
Ngày 23/8/2014, Hiệp hội VASEP đã phối hợp với các Hiệp hội Dệt – May và Hiệp hội Da – Giầy tổ chức” Tọa đàm giữa các DN dệt may, da giầy và thủy sản với các hãng tàu biển” tại TP. Hồ Chí Minh. Tại Tọa đàm, các DN có đề xuất với các hãng tàu về việc nên xem xét và giảm cước phí để thu hút khách hàng trong điều kiện khủng hoảng kinh tế hiện nay, việc đặt ra nhiều loại phụ phí mới hiện nay là một hình thức tăng giá cước vận tải của các hãng tàu và việc này sẽ gây thêm khó khăn cho các DN XNK Việt Nam do chi phí vận chuyển quá cao. Để tăng cường hợp tác lâu dài và đôi bên cùng có lợi, các DN đề nghị các hãng tàu cần xem xét lại vấn đề thu các loại phụ phí này.
Để quản lý, giám sát về việc thu phụ phí của các hãng tàu, nhằm đảm bảo các khoản thu phải có Cơ sở, công khai và minh bạch về các loại phụ phí, công bằng giữa các hãng tàu và DN, Hiệp hội VASEP đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam cần xem xét và đề xuất cơ chế quản lý.
Mặt khác, Hiệp hội VASEP đề nghị Cục Hàng hải cần có cuộc làm việc dứt điểm với các hãng tàu để xem xét lại 1 số loại phụ phí còn bất hợp lý như hiện nay, đề nghị cắt bỏ hoặc điều chỉnh giá cho phù hợp với giá phải nộp để tạo mặt bằng giá chung trong vận tải đường biển như:
1. Giá cước vận chuyển: Đề nghị có kế hoạch và công khai, trong trường hợp việc tăng có cơ sở thì phải thông báo trước 6 tháng để DN chủ động để tính vào chi phí giá thành và nên ổn định để DN có thể cân đối chi phí sản xuất và giá thành..
2. Phí THC: Đề nghị thu đúng với mức giá quy định của cảng hoặc chênh lệch không nhiều so với mức này để có chi phí trả cho người thu hộ, cần công khai và minh bạch.
3. Phí mất cân đối container (CIC, CIS): Chỉ thu khi thực sự có sự mất cân đối tại thời điểm xảy ra và phí này chủ hàng xuất tại nước ngoài sẽ phải chịu.
4. Phí vệ sinh container: Bỏ phí này - vì đây cần được xác định là ”điều kiện” của bên làm dịch vụ.
5. Phí sửa chữa vỏ cont: Bỏ thu phí này vì đây được coi là 1 loại tài sản trong kinh doanh hàng container nên đã được tính vào chi phí khấu hao tài sản trong quá trình kinh doanh.
6. Phí tắc nghẽn (PCS): Chỉ thu khi có phát sinh tại cảng và thu với mức giá có cơ sở, công khai & minh bạch.
7. Bỏ phí đặt cược cont lạnh
8. Cần xem xét bỏ và điều chỉnh giá phí đối với các loại phí khác như: Phụ phí xăng dầu (EBS), phụ phí đảm bảo container (EMS), phí chứng từ (D/O), Telex release, Handling, AMS (Advanced Manifest System fee)...
Công văn số 163/2014/CV-VASEP.
Phụ lục 1: Tổng hợp cước và các loại phụ phí của các hãng tàu.
Phụ lục 2: Tổng hợp các loại phụ phí khác của các hãng tàu.