Phúc đáp công văn số 480/KTBVNL-KT, ngày 8/8/2014 của Cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản về việc tham gia góp ý cho Dự thảo lần thứ 4 Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 28/2011/TT-BNNPTNT, Hiệp hội VASEP đã triển lấy ý kiến các DN hội viên và có ý kiến góp ý cụ thể như sau:
1. Điều 7: Chứng nhận thủy sản khai thác
- Đề nghị: Ngoài việc nộp Hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện, nên cho phép DN được gửi trước Hồ sơ qua đường email đến cơ quan thẩm quyền để kiểm tra trước Hồ sơ trong thời gian chờ Hồ sơ gốc qua đường bưu điện. Khi nhận được Hồ sơ gốc có thể cấp ngay Giấy xác nhận, không mất thời gian phải chờ kiểm tra nữa. Tương tự đối với trường hợp cấp lại Chứng nhận thủy sản khai thác cũng vậy.
- Lý do: từng bước áp dụng CNTT trong tiếp nhận và xử lý hồ sơ nhằm rút ngắn thời gian xác nhận thủy sản khai thác và tạo cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác thanh tra và kiểm tra đối chiếu sau này.
2. Bổ sung thêm quy định về trình tự giải quyết việc thẩm tra C/C của EU:
Lâu nay, Cục KT BVNL vẫn thực hiện theo quy trình: nhận yêu cầu từ EU (xác minh, làm rõ, phúc tra ...) sau đó chuyển thông tin về các Chi cục yêu cầu cung cấp thông tin. Chi cục chuyển đến DN, yêu cầu DN cung cấp thông tin liên quan. DN gửi thông tin cần thiết cho Chi cục, Chi cục gửi về Cục, Cục trả lời EU.
Như vậy để trả lời cho EU thì thông tin phải đi 2 chiều qua 3 đơn vị khác nhau là Cục KTBVNL, Chi Cục và DN nên sẽ mất rất nhiều thời gian. Do đó cần qui định rõ hơn về thời gian cung cấp thông tin của từng đơn vị để các đơn vị làm việc có trách nhiệm hơn và việc qui định này phải đưa vào văn bản pháp qui để thực hiện, đơn vị nào chậm trễ cũng cần có biện pháp xử lý, tránh việc chậm trễ trong giải quyết hồ sơ gây tổn thất cho DN nói riêng và ngành hải sản Việt Nam nói chung.
Đề nghị:
- Qui định rõ trách nhiệm của cơ quan cấp C/C phải làm gì khi nhận được yêu cầu của EU về việc xác nhận thông tin của C/C và một số vấn đề liên quan đến C/C của Việt Nam.
- Qui định rõ thời gian tối đa bao nhiêu ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của EU thì Cơ quan thẩm quyền Việt Nam phải có văn bản trả lời cho EU để EU giải phóng lô hàng cho các DN.
3. Một số ý kiến khác:
- Xuất phát từ việc cảnh báo của EU về số liệu báo cáo của VN liên quan đến cá kiếm thời gian gần đây, thì thông tư sửa đổi lần này nên mở rộng hơn vai trò trách nhiệm của Ban Quản lý Cảng cá tại điều 14 Thông tư 28/201: thay vì chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin liên quan đến các tàu cá đăng ký, neo đậu, bốc dỡ tại cảng thì Ban quản lý cảng cá phải có trách nhiệm giám sát, tập hợp thông tin và báo cáo định kỳ cho cơ quan có thẩm quyền để từ đó có cơ sở dữ liệu để kiểm tra đối chiếu khi cấp xác nhận đánh bắt sau này.
- Tại điều 9 của Thông tư 28/2011: mục 1 qui định đối tượng kiểm tra là các tàu cá có họat động khai thác thủy sản để chế biến xuất khẩu vào thị trường châu Âu, mục 3 qui định kiểm xác suất 5%. Nếu ghi như vậy thì có nghĩa là chỉ có tàu nào bán hàng đi EU thì mới kiểm tra, còn không đi EU thì không cần kiểm tra. Mà vào thời điểm tàu cập cảng thì làm sao biết được tàu nào sẽ dùng để đi EU để biết mà kiểm tra 5%?