Ngành Công nghiệp Dệt May, Ngành Công nghiệp Da – Giầy và Công nghiệp Chế biến XK thủy sản đã trở thành ba ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước, hàng năm đóng góp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 15,8 tỷ USD, Da – Giầy đạt 7,833 tỷ USD và thủy sản đã đạt 6,118 tỷ USD, chiếm tới 35% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Năm 2012, sẽ là một năm đầy thách thức đối với xuất khẩu dệt may, da giầy và thủy sản Việt Nam trước những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và trong nước. Tuy nhiên ngành dệt may, ngành da – giầy và chế biến XK thủy sản vẫn đang nỗ lực vượt khó khăn và đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 19 tỷ USD đối với dệt may; 7,2 tỷ USD (chỉ tính riêng da giầy), 6,5 tỷ USD đối với thủy sản trong năm 2012 trong điều kiện tiếp tục phát huy lợi thế cạnh tranh về chất lượng và giá thành sản phẩm.
Để chế biến hàng dệt may, da giầy và thủy sản xuất khẩu, bao bì túi PE, PA các loại là một vật tư không thể thiếu, được sử dụng đa dạng và thông dụng để bao gói sản phẩm từ từng sản phẩm tới bó nhiều sản phẩm đối với dệt may và từ vài trăm gram, một kg đến cả 10kg cho một đơn vị sản phẩm thủy sản xuất khẩu. Các DN dệt may, da giầy và thủy sản không chỉ nhập khẩu từ nước ngoài theo yêu cầu của khách hàng hoặc do khách hàng nước ngoài cung cấp, mà còn đấu tranh với khách hàng để được mua các vật liệu bao gói này từ các nhà máy sản xuất bao bì trong nước nhằm tăng giá trị nội địa trong sản phẩm xuất khẩu.
Khoản chi phí này trong giá thành sản phẩm dệt may chiếm tới 5% (khoảng 600 triệu USD/năm cho toàn ngành), trong da giầy chiếm 1,5 – 2% giá thành sản phẩm và trong thủy sản xuất khẩu tương đương khoảng 0,1USD/01 kg SP thủy sản, chiếm tỷ trọng không nhỏ trong giá thành sản phẩm xuất khẩu. Năm 2012, Luật Thuế Bảo vệ Môi trường có hiệu lực áp dụng từ 1/1/2012 đã làm chi phí này tăng từ 30% đến 50% kết hợp cùng các chi phí khác đang có xu hướng tăng làm cho sản phẩm dệt may, da giầy và thủy sản xuất khẩu Việt Nam khó có lợi thế cạnh tranh về giá so với các nước.
Theo nguyên tắc, túi PE sử dụng ở Doanh nghiệp dệt may, da giầy và thủy sản là vật liệu bao gói không được xem là hàng hóa xuất khẩu để hưởng quy chế miễn thuế bảo vệ môi trường. Nhưng xét về bản chất có thể xem là hàng hóa xuất khẩu đi kèm với 3 nhóm sản phẩm này do tính đồng nhất trong quy cách đóng gói và khi xuất khẩu sản phẩm dệt may, da giầy và thủy sản phải có túi PE, PA để chứa đựng và chưa thể thay thế bằng các loại bao bì làm bằng vật liệu khác do yêu cầu trang trí, vệ sinh đối với sản phẩm dệt may và da giầy; bảo quản, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với thủy sản khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. Vì vậy, đối với bao bì túi ni lông (cả mua trong nước và nhập khẩu) phục vụ cho việc đóng gói hàng dệt may, da giầy và thủy sản xuất khẩu, thực tế xuất khẩu ra nước ngoài, không tiêu thụ tại thị trường Việt Nam, không làm ảnh hưởng tới môi trường Việt Nam, có thể xem như hàng hóa xuất khẩu, thuộc đối tượng được miễn thuế Bảo vệ Môi trường theo quy định.
Căn cứ trên các kiến nghị của doanh nghiệp Hội viên, các chi hội khu vực trong cả nước, để hỗ trợ Doanh Nghiệp dệt may, da giầy và thủy sản giảm bớt các khó khăn, giảm chi phí sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh, góp phần hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu năm 2012 và các năm tiếp theo, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Da – Giầy Việt Nam (LEFASO), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đề nghị Bộ trưởng xem xét cho phép xếp bao bì ni lông để bao gói hàng dệt may, da giầy, thủy sản xuất khẩu vào đối tượng không chịu thuế bảo vệ môi trường.