Theo đề xuất tại công văn số 622/QLCL-CL1 (CV 622), ngày 22/4/2013 của Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) về việc đề nghị góp ý Dự thảo thông tư thay thế Thông tư số 55/2011/TT-BNNPTNT (TT55) của Bộ NN&PTNT quy định việc kiểm tra, chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản, VASEP đã triển khai lấy ý kiến các DN về Dự thảo trên hệ thống điện tử của Hiệp hội và tổ chức 03 cuộc họp lấy ý kiến góp ý của DN XK tôm, cá tra, hải sản trong 2 ngày từ 9 - 10/5/2013 tại TP. Hồ Chí Minh.
Căn cứ ý kiến đề xuất của Cục NAFIQAD tại CV 622 về nội dung Dự thảo thông tư thay thế TT55 tập trung theo hướng việc chứng nhận sản phẩm thủy sản XK chủ yếu thực hiện dựa trên kết quả giám sát quá trình sản xuất, không dựa trên kết quả lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng trước khi XK.
Nhưng thực tế, xem xét những quy định trong nội dung Dự thảo chưa thể hiện được hướng sửa đổi chủ đạo này của Cục NAFIQAD cũng như nội dung kiến nghị của Hiệp hội VASEP trong hơn 1 năm qua. Mặc dù có một số nội dung đã được sửa đổi, nhưng việc cấp chứng thư cho lô hàng XK vẫn dựa trên tiếp cận lấy mẫu kiểm lô hàng theo tần suất quy định tại Điều 21, Điều 22 và Phụ lục 9 của Dự thảo.
Tại các cuộc họp, các ý kiến của DN tập trung vào việc phân tích cơ sở (luật, khoa học) mà đơn vị dự thảo (cục NAFIQAD) đưa ra 1 số quy định trong Dự thảo chưa phù hợp với quy định của Luật ATTP và thông lệ quốc tế. Các DN cũng đặt nhiều câu hỏi về hiệu quả của cách tiếp cận duy trì lấy mẫu kiểm tra lô hàng XK hiện nay thực tế có cải thiện được tình hình ATTP cũng như cảnh báo ở các nước NK không?
Với nhận định, Dự thảo lần này rất quan trọng và có tính chất ảnh hưởng lớn tới sự tồn tại và phát triển của ngành thủy sản Việt Nam, Hiệp hội VASEP cùng với các DN hội viên đã nghiêm túc xem xét và góp ý cho Dự thảo dựa trên cơ sở quy định của các Luật hiện hành (Luật ATTP, Luật Chất lượng hàng hóa, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP ...) và các quy định của quốc tế (EU, Mỹ, Thái Lan), để có sự tuân thủ, chuẩn mực và không làm khác theo cách tiếp cận đúng, hiện đại, đảm bảo khi Thông tư ra đời sẽ tạo được sự đúng luật, nâng cao trách nhiệm và sự thuận lợi cho cả cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người thực hiện, tạo nền tảng vững chắc cho cam kết quốc tế và thúc đẩy phát triển bền vững ngành thủy sản Việt Nam.
Kèm theo CV 96 là 03 Phụ lục, bao gồm:
- Phụ lục 1: Góp ý thay đổi cách tiếp cận kiểm soát lô hàng tại Điều 21, Điều 22 và phụ lục 9 của Dự thảo;
- Phụ lục 2: Góp ý Bảng chỉ tiêu đánh giá xếp hạng điều kiện sản xuất nhà máy CBTS theo Phụ lục 5 của Dự thảo;
- Phụ lục 3: Góp ý chi tiết cho các Điều khoản khác của Dự thảo;
DỰ THẢO THAY THẾ THÔNG TƯ 55