Nhắc đến tôm giống, có lẽ Bình Thuận là cái nôi khi hàng năm cung cấp sản lượng tôm giống cho thị trường khoảng 25 tỷ con giống, chiếm 20% sản lượng tôm giống cả nước và được người nuôi đánh giá cao về uy tín lẫn chất lượng.
Ngành sản xuất tôm giống của Bình Thuận ra đời từ những năm 1990, xuất phát ban đầu từ một số cơ sở sản xuất nhỏ trên địa bàn TP. Phan Thiết và các xã Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong) với đối tượng sản xuất là tôm sú. Qua gần 35 năm phát triển, toàn tỉnh hiện có 128 cơ sở/764 trại sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản với đối tượng sản xuất chủ yếu là tôm thẻ chân trắng, một số ít cơ sở sản xuất giống tôm sú, ốc hương, cua biển, trong đó có hơn 50 công ty có vốn đầu tư trong nước và 2 công ty có vốn đầu tư nước ngoài.
Thời gian gần đây, thị trường nuôi tôm thương phẩm gặp nhiều khó khăn, nhưng chuẩn bị bước vào vụ mới, khách hàng từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ đến Bắc Trung Bộ vẫn đổ về các trại giống tôm ở Bình Thuận để chờ mua giống về thả. Qua đó, cho thấy thương hiệu tôm giống Bình Thuận đã “nức tiếng” nhiều năm nay.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận, với chiều dài bờ biển 192 km, điều kiện thời tiết ít mưa, độ mặn nước biển quanh năm ổn định ở mức 34-37%O, nên tỉnh có nhiều tiềm năng và lợi thế sản xuất giống nước lợ, đặc biệt là tôm giống. Không chỉ vậy, Bình Thuận là 1 trong 5 vùng hiếm hoi trên thế giới có vùng nước trồi dinh dưỡng cao, có độ mặn ổn định, không có nước ngọt từ sông ngòi đổ vào biển nên giàu hàm lượng khoáng. Ngoài ra, khu vực nuôi nơi đây có nhiều rạn san hô có tác dụng lọc nước biển. Nước sạch là yếu tố quan trọng để nuôi tôm giống thành công. Đặc biệt, khi tôm nuôi thành phẩm sẽ có màu sắc đẹp, độ ngon, ngọt hơn hẳn con tôm nuôi ở những tỉnh, thành khác. Đó là lý do vì sao các vùng nuôi tôm lớn ở các tỉnh miền Tây vẫn tìm về Bình Thuận mua tôm giống, dù các tỉnh này cũng có doanh nghiệp cung cấp giống.
Ứng dụng công nghệ hiện đại
Với những lý do đầy thuyết phục trên, theo thời gian, công suất và quy mô trại giống cũng không ngừng nâng lên do các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất tôm giống chú trọng nâng cấp, áp dụng kỹ thuật khoa học tiên tiến. Nhiều cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có quy mô lớn, đầu tư trang thiết bị hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế trong sản xuất tôm giống. Trong đó, Tập đoàn Việt - Úc là doanh nghiệp đầu tiên chọn tạo thành công giống tôm thẻ chân trắng bố mẹ chất lượng cao, được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận giống mới, đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung ngành tôm Việt Nam sau 5 năm miệt mài nghiên cứu.
Ông Lê Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bình Thuận, cho biết: “Đối với nguồn tôm bố mẹ, Công ty CP Thủy sản Việt - Úc là đơn vị tiên phong, đã thành công trong việc nghiên cứu tự sản xuất nguồn tôm bố mẹ, có thể truy xuất nguồn gốc, giống có tỷ lệ sống cao, có sức đề kháng và thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, không còn phụ thuộc vào nguồn nhập ngoại như Mỹ, Thái Lan, Singapore… Việc tự chủ tôm bố mẹ càng khẳng định lợi thế nghề sản xuất tôm giống của tỉnh trong vùng Nam Trung Bộ và cả nước”.
Song song đó, đã có nhiều doanh nghiệp lớn ở Bình Thuận đầu tư công nghệ cao vào sản xuất tôm giống nhằm nâng cao năng suất, chất lượng tôm giống như: Công nghệ chẩn đoán bệnh thủy sản bằng phương pháp RT-PCR, công nghệ xử lý nước đầu vào phục vụ sản xuất, công nghệ nuôi cấy tảo tươi làm thức ăn cho ấu trùng tôm, công nghệ nâng, giảm nhiệt độ nước trong ương nuôi ấu trùng tôm... Mới đây, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, Hiệp hội Tôm Bình Thuận đã phối hợp Viện Đào tạo và Nghiên cứu ứng dụng Công nghệ Thủy sản - Sabio đưa vào hoạt động chi nhánh Xét nghiệm bệnh tôm tại xã Vĩnh Hảo (huyện Tuy Phong). Đây là lần đầu tiên doanh nghiệp, người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận được tiếp cận một trong những thiết bị xét nghiệm bệnh tôm hiện đại nhất hiện nay.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bình Thuận, cho biết: “Bình Thuận là nơi cung cấp tôm giống chiếm sản lượng lớn trong cả nước. Gần đây, người nuôi tôm trong tỉnh đang phải đối mặt với tình trạng thả giống nhưng chết hàng loạt, gây tổn thất nặng nề cho người nuôi nói riêng và ảnh hưởng đến ngành tôm nói chung. Việc Bình Thuận tiên phong ứng dụng máy xét nghiệm Real-time PCR sẽ giúp người nuôi nhận biết được những dòng vi khuẩn mới trên thủy sản, từ đó đưa ra những giải pháp trị bệnh kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra, giúp người nuôi giảm thiểu rủi ro khi thả giống”.
Thêm vào đó, sắp tới, sản phẩm tôm Bình Thuận được bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý sẽ tạo tiền đề cho việc quản lý chất lượng sản phẩm tôm ngày một tốt hơn, tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân nuôi và kinh doanh tôm trên địa bàn tỉnh được hưởng lợi nhiều hơn từ giá trị thương hiệu tôm Bình Thuận. Ngoài ra, Bình Thuận là tỉnh có tiềm năng rất lớn về du lịch, kết hợp với việc sản phẩm tôm Bình Thuận được bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý không những tạo nên danh tiếng, nâng cao giá trị của sản phẩm tôm, mà còn thu hút đầu tư và quảng bá phát triển dịch vụ du lịch cho tỉnh.
Trong xu hướng mới của ngành tôm, để ổn định, duy trì hoạt động sản xuất tôm giống trên địa bàn, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận hy vọng các cơ sở sản xuất tôm giống hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm khâu trung gian, giảm giá thành sản xuất tôm giống; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới trong sản xuất tôm giống để nâng cao chất lượng. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực công nghệ, tài chính đầu tư vào khu sản xuất giống thủy sản tập trung Chí Công (giai đoạn 1). Đến nay, đã có 5 doanh nghiệp được UBND tỉnh Bình Thuận, Sở Nông nghiệp và PTNT thông báo chấp thuận vị trí đất theo sơ đồ phân lô để thực hiện thủ tục đầu tư, lập dự án đầu tư sản xuất tôm giống công nghệ cao. Khi khu sản xuất giống thủy sản này đi vào hoạt động, Bình Thuận sẽ trở thành trung tâm tôm giống chất lượng cao của cả nước không còn là chuyện xa vời.
Theo kinhtenongthon