ASPA đề xuất cấm nhập khẩu tôm Ấn Độ được sản xuất bằng lao động cưỡng bức

(vasep.com.vn) Hiệp hội Chế biến tôm Mỹ (ASPA) đã trình yêu cầu lên Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) về việc cấm nhập khẩu tôm từ Ấn Độ được sản xuất bằng lao động cưỡng bức, theo quy định của mục 307, Đạo luật thuế quan năm 1930.

Chú thích ảnh

Mục 307 của Đạo luật thuế quan năm 1930 cấm nhập khẩu bất kỳ sản phẩm nào được khai thác, sản xuất hoặc chế tạo một phần/toàn bộ bằng lao động cưỡng bức hoặc lao động trẻ em. Theo đó, CBP sẽ thực thi lệnh cấm này. Tuy nhiên, ASPA cũng yêu cầu chi tiết về quy trình truy xuất nguồn gốc của các loại tôm Ấn Độ nhập khẩu, mặc dù đến nay, CBP vẫn chưa nêu rõ về điều này.

ASPA cũng đã đệ đơn cáo buộc lên Chính phủ Mỹ lập luận rằng việc chính phủ Ấn Độ không áp dụng các quy định lao động cơ bản nhất đối với các nhà sản xuất tôm, đã tạo điều kiện cho họ nhận được các khoản trợ cấp tài chính gián tiếp thông qua việc giảm chi phí sản xuất, từ đó ảnh hưởng đến sự công bằng và cạnh tranh trong ngành công nghiệp.

Hiệp hội Chế biến tôm Mỹ đã yêu cầu Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đưa những khoản trợ cấp này vào cuộc điều tra thuế đối kháng (CVD) đang diễn ra nhằm đáp trả đơn kiện của ASPA về nhập khẩu tôm được đệ trình vào tháng 10 năm ngoái.

Ông Trey Pearson, Chủ tịch ASPA cho biết: “Điều kiện làm việc khắc nghiệt được ghi nhận trong ngành tôm của Ấn Độ thật kinh hoàng. Những nhà sản xuất này bóc lột những người lao động, sau đó xuất khẩu sản phẩm giá thấp của họ sang Mỹ, gây tổn hại cho những người nuôi và chế biến tôm nội địa. ASPA sẽ làm mọi thứ trong khả năng của chúng tôi để đối phó lại những hành vi ghê tởm này và bảo vệ các nhà sản xuất tôm tại Mỹ”.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục