Phức tạp quy trình nuôi tôm

(vasep.com.vn) Có bạn phàn nàn là dạo này sao nhiều quy trình nuôi tôm quá! Ai nói cũng khoe quy trình nuôi của mình là hiệu quả, là tối ưu. Nào quy trình 2/3/4, quy trình nuôi nhiều giai đoạn, quy trình thu tỉa, quy trình nuôi công nghệ vi sinh, quy trình công nghệ cao, thậm chí quy trình ứng dụng nhiều thành tựu về AI để kiểm soát ao nuôi sao giảm thiểu tối đa rủi ro... Cũng chưa nghe cơ quan chức năng tổng kết quy trình nào là trội thật sự để học hỏi. Chỉ nghe báo đài nêu ra, quảng bá chung chung. Vậy liệu có chủ nuôi nào nói cường điệu hay không? Tôi cũng không nghe ai phản bác, cũng không ai vỗ tay tán thưởng, tán thành...

Phước tạp quy trình nuôi tôm

Nuôi tôm, lĩnh vực vô vàn phức tạp, bị chi phối ngoại cảnh bởi có “tính cách” địa phương, vùng... cho nên một quy trình nuôi nào đó thực sự có hiệu quả, nhưng chỉ trong phạm vi nào đó, khó nhân rộng tới những địa phương có hoàn cảnh tự nhiên không tương đồng. Có lẽ đây là lý do hết sức cơ bản để không có một mô hình, một quy trình chuẩn mực áp dụng quy mô lớn. Nói vậy, để thanh minh cho nhiều tổ chức, cá nhân đã khẳng định cho mô hình nuôi tôm thành công của mình là không khuếch đại, là thực sự có hiệu quả tại cơ sở nuôi của mình.

Nhưng trong thực tế, yếu tố khách quan cũng thay đổi liên tục như: nhiệt độ, mưa nắng, gió bão, thuỷ văn... các năm không như nhau. Qua đó một quy trình nuôi có thể có kết quả khác nhau trên cùng vùng nuôi. Năm nay trúng, năm sau có thể trúng, nhưng năm kế tiếp lại khác. Nguyên nhân như nêu trên. Trường hợp khác, trên cùng địa phương nhưng hai cơ sở nuôi áp dụng cùng một quy trình nuôi nhưng kết quả cũng không như nhau. Nguyên do, mỗi quy trình nuôi cần có các giải pháp đồng bộ đi cùng. Cơ sở này đáp ứng tốt có kết quả tốt và ngược lại. Quả nuôi tôm quá phức tạp!

Nói dong dài để lý giải thắc mắc của anh bạn kia, phân biệt quy trình 2/3/4, quy trình nhiều giai đoạn, quy trình thu tỉa khác nhau ra sao và quy trình nào tốt hơn? Quy trình nuôi nhiều giai đoạn là ươm tôm con trong ao ươm một thời gian nào đó, rồi sang ao ươm giai đoạn 2, rồi sang ao nuôi thương phẩm. Cái lợi quy trình này là rút ngắn thời gian nuôi trong ao thương phẩm, tăng hệ số sử dụng ao nuôi tối ưu, có thể nuôi 5 vụ mỗi năm.

Lợi thế thứ hai là nếu giai đoạn ươm tôm, tôm không may có sự cố gì thì thiệt hại nhỏ và xử lý nhanh. Nhược điểm quy trình này là tốn công chăm sóc hàng ngày khá chi ly, phù hợp cho các hộ nuôi có quy mô gia đình chục ao tôm trở lại.

Nuôi thu tỉa: Là ao tôm được thả nuôi mật độ khá cao, có thể tối đa 300 con/m2 mặt nước. Tôm nuôi sẽ được thu tỉa khi sinh khối trong ao lớn. Có thể thu tỉa nhiều lần khi đạt cỡ: 70 con, 50 con, 40 con, 30 con/kg và thu cuối cùng cho số tôm còn lại. Mỗi lần thu khoảng 20% trọng lượng tôm trong ao. Công sức bỏ ra để thu tỉa dễ triển khai hơn công sức sang ao tôm, cho nên quy trình nuôi này được áp dụng ở các trại nuôi quy mô lớn.

Ưu điểm quy trình này là sản lượng thu hoạch mỗi ao không thua kém quy trình nuôi nhiều giai đoạn đồng thời thu được nhiều cỡ tôm thuận lợi cho chế biến.

Nhược điểm là thu tỉa nhiều lượt trên mỗi ao phải chú ý có giải pháp hạn chế tối đa bùng phát khí độc từ đáy ao do tác động từ quá trình kéo lưới thu tôm. Tốt nhất, tính toán mỗi lần thu tỉa chỉ nên một lưới kéo, khó quá thì hai lưới kéo mà thôi. Do thu tỉa nhiều lần, quy trình nuôi thu tỉa phù hợp với ao khá lớn, từ 2000 m2 trở lên. Còn ao nhỏ, nhất là ao nổi có diện tích 500-1000 m2, nên nuôi quy trình nuôi nhiều giai đoạn. Bởi ao nhỏ, ít tôm, thu tỉa không có bao nhiêu tôm, không có ý nghĩa về mặt kinh tế.

Nuôi 2/3/4: Là cách nuôi của một doanh nghiệp tôm lớn: nuôi 2 giai đoạn, 3 lần thu tỉa, 4 sạch trong trại nuôi (sạch tôm giống, sạch nước, sạch người nuôi và dụng cụ, sạch - an toàn sinh học). Có nghĩa quy trình nuôi này là sự phối hợp của hai quy trình nuôi nhiều giai đoạn và quy trình nuôi thu tỉa. Tuy nhiên, như phân tích đã có thu tỉa thì diện tích ao phải ở mức độ lớn nào đó mới hiệu quả. Bây giờ quy trình nuôi nào cũng được gọi là nuôi vi sinh. Bởi quy trình nuôi nào cũng quan tâm bổ sung vi sinh xử lý chất thải đáy ao kết hợp khống chế vi khuẩn có hại đồng thời bổ sung lợi khuẩn để kích thích tiêu hoá cho tôm.

Quy trình nuôi công nghệ càng cao khi ứng dụng được nhiều thành quả khoa học kỹ thuật vào nuôi tôm, thí dụ có thể nắm bắt tình hình ao tôm từ xa qua điện thoại di động như chỉ số ôxy hoà tan, độ mặn, độ kiềm... Từ đó có giải pháp xử lý kịp thời. Việc nắm bắt các thông tin trong từng ao nuôi thông qua các đầu dò đặt trong từng ao nuôi. Chi phí này không nhỏ, nên việc ứng dụng chưa phổ biến.

Tóm lại, nuôi tôm lệ thuộc khá lớn yếu tố tự nhiên, khách quan. Cho nên một cơ sở nuôi nào đó nuôi năm trúng, năm lại kém là chuyện bình thường. Dẫn đến không có một quy trình nuôi nào là chuẩn mực tuyệt đối, chỉ có quy trình nuôi căn bản và các cơ sở nuôi vận dụng linh hoạt, phù hợp vào hoàn cảnh cụ thể của cơ sở nuôi của mình ở từng thời điểm. Sự chủ động trên nền tảng biến động thường xuyên của môi trường nói lên bản lĩnh người nuôi. Muốn vậy, người nuôi không nên rập khuôn, phải chú ý học hỏi từ những yếu tố chi li, nhỏ nhất đến những nền tảng lớn hơn như xác định quy trình nuôi nào phù hợp hoàn cảnh cơ sở nuôi của mình. Qua rồi công nghệ nuôi “đốt nhang”, thả nuôi xong là lo van xin - vái bề trên. Người nuôi tôm giai đoạn mới phải làm chủ trên cơ sở nuôi tôm của mình, phải chủ động “cứu” mình, không còn cảnh rủi may.

Tháng 6/2021

Hồ Quốc Lực

Bình luận bài viết

Cùng chuyên gia