(vasep.com.vn) Từ nửa tháng nay các tỉnh miền Tây liên tục có tin nóng, có nhiều ca nhiễm và các ổ dịch mới. Đa phần nguồn gốc lây lan từ người lao động vùng dịch trở về từ đầu tháng 10 vừa qua. Mức căng thẳng mới này khiến có địa phương phải khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài vào ban đêm nhằm hạn chế lây lan. Các địa phương trong tình cảnh trên như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang… có ca nhiễm tăng nhiều hơn các địa phương còn lại. Tin mới nhất là Cần Thơ, Sóc Trăng đã nâng lên cấp độ dịch 2. Bạc Liêu căng thẳng hơn nâng từ cấp 2 lên cấp 4. Cà Mau đang triển khai nội dung này. Diễn tiến này cho thấy nguy cơ bùng phát dịch đâu là chuyện nhỏ.
Vì sao xảy ra tình trạng không hay này? Trăm dâu đổ đầu tằm. Tại vì người lao động từ vùng dịch về mang theo mầm bệnh. Một số nào đó tránh né khai báo, cách ly nên đã trở thành điểm nóng, ổ dịch. Có địa phương do hạn chế chỗ cách ly tập trung, phải phân chia, sàng lọc để một số người lao động ít rủi ro cách ly tại nhà. Nhận thức người dân còn hạn chế, nhiều nhà không có nhà cửa đáp ứng đủ chuẩn mực cách ly… khiến người cách ly và người nhà có tiếp xúc nhau. Và biết đâu mầm dịch có trong người sẽ phát tác sau đó. Tất cả tạo nên nhiều mức độ nguy cơ. Rồi lại thêm trường hợp trong khu cách ly, do hạn chế phòng riêng nên sẽ có tình trạng lây lan làm tăng ca bệnh. Bây giờ có nhiều ca nhiễm lại không tìm ra F0 gốc tạo thêm quan điểm ổ dịch nội sinh, nghĩa là không thể tìm ra đầu mối lây lan! Thêm rối.
Tại các doanh nghiệp tôm (DN) chuyện âu lo diễn ra căng thẳng, kéo dài. Bởi nghe tin ấp, xã nào có người nhiễm bệnh là phải rà soát lại người lao động của mình có ai liên quan hoặc chỗ ở gần gũi… để sàng lọc ra xét nghiệm và sắp xếp chỗ ở tại chỗ. Chuyện này xảy ra hàng ngày khi các ổ dịch trong địa phương đang diễn tiến phức tạp và ổ dịch ngày càng nhiều. Có ngày, DN phải nhiều lượt làm thao tác này. Số lao động vơi dần đi vì không thể đón đưa người ở các xã có ổ dịch mới. Lại thêm bất ngờ khi tầm soát y tế phát hiện lao động trong DN nghi dương tính. Mỗi lần như vậy tốn rất nhiều công sức sàng lọc nhằm giảm thiểu rủi ro. Và tình hình này không dừng lại. Điều này làm tăng cường độ lo âu cho điều hành doanh nghiệp và tình trạng căng thẳng ở người lao động. Giải pháp là nhanh chóng tăng tần suất tầm soát. Trước đây 7 ngày kiểm 20%, tăng lên 3 ngày kiểm 20%, nay 3 ngày phải xong một lượt kiểm cho toàn bộ lao động đang có. Thậm chí kiểm kháng nguyên chưa đủ độ tin, phải thêm kiểm PCR cho an toàn. Càng tăng tầng suất, chi phí cứ đội lên. Dù hết sức nỗ lực, tới bây giờ đại đa số DN tôm đều đã trải qua ít nhất một lần tình huống xử lý F0 trong DN.
Các DN đang rơi vào trạng thái lo âu như nói trên. Mỗi sáng sớm, lao động phải đợi kết quả test nhanh theo sắp xếp mới vào làm việc. Việc này đã diễn ra nhiều tháng, nhưng bây giờ dòng người dài hơn mấy lần do tần suất kiểm tra dày đặc hơn. Ngày 28/10/2021, Ủy ban Tôm VASEP đã họp bàn các nội dung liên quan việc phục hồi hoạt động các DN chế biến nói riêng, ngành tôm nói chung và cái nhìn cho tương lai gần về nguyên liệu, thị trường… Ý kiến số đông khá trọng tâm là giữ vững an toàn trước khi triển khai sản xuất, an toàn mới sản xuất. Đây là cái nhìn đúng đắn, vô cùng phù hợp hoàn cảnh cụ thể hiện nay. Cũng mong là các nhà điều hành DN tôm sẽ cụ thể hóa suy nghĩ ra hành động thiết thực, khẩn trương, kịp thời để giữ vững thành trì của từng DN và nhất là quyết tâm không để gãy đổ chuỗi sản xuất con tôm.
Trung ương đã nhận thấy tình hình đang xấu đi nên đã có chỉ đạo sự hỗ trợ các tỉnh gặp khó khăn nêu trên về nhân lực y tế, trang thiết bị y tế… Các tỉnh này cũng hết sức khẩn trương đẩy mạnh công tác dập dịch. Nhưng hiện nay chưa khả quan lắm. Biểu đồ F0 phát hiện ngoài cộng đồng chưa đi xuống. Tình hình này, thời gian tới, các tỉnh miền Tây chắc sẽ lần lượt nâng cấp độ dịch địa phương mình nhằm hạn chế đi lại tràn lan, hạn chế lây nhiễm. Việc này tuy có ảnh hưởng lĩnh vực cung ứng dịch vụ mức độ nào đó, nhưng sẽ không làm ảnh hưởng đáng kể đến lưu thông hàng hóa cũng như đi lại tham gia sản xuất công nông nghiệp, Một bước ‘thủ” để giữ thế nhằm củng cố và chờ đợi liệu pháp vaccine. Tuy nhiên, với kinh nghiệm đã thu thập từ các đợt phòng chống dịch vừa qua, với sự quyết tâm, đồng lòng đã và đang thể hiện, chúng ta có niềm tin sẽ có kết quả khả quan trong vòng tháng 11, khi theo lý thuyết cao trào lây lan sẽ đi qua. Và nhất là trong tháng 11 sẽ có tỉ lệ tiêm mũi một quá hai tuần rất đông và tiêm mũi hai tăng đáng kể.
Năm tháng đi qua, nhưng những cảm xúc hôm nay sẽ còn lắng đọng lâu hơn. Một trải nghiệm không hay kéo dài hơn mong đợi. Một thiệt hại do tăng chi phí y tế, do thu hẹp hoạt động… ngoài dự kiến. Một lo toan lắm cung bậc nhiều cảm xúc… Có câu của chị Ba Huân, nhà cung ứng trứng gia cầm số một nước ta, là Lũ lớn qua rồi phù sa ở lại càng nhiều. Hy vọng trong rủi sẽ có may. Qua cơn bão giông, ngành tôm ta sẽ bừng sáng hơn trong sắc diện mới.
Sóc Trăng, ngày 3/11/2021
TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN
Mời Quý DN thủy sản tham gia khảo sát về khả năng tiếp cận các gói hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid - 19