Vướng mắc về nguyên liệu thủy sản sẽ được rà soát, tháo gỡ sau kỳ kiểm tra của EC

Quy định “Không trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu với nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước vào cùng một lô hàng xuất khẩu” gây khó khăn cho doanh nghiệp, cơ quan chức năng cho biết, sẽ rà soát sau đợt thanh tra lần thứ 5 của Uỷ ban châu Âu.

H

Thủy sản chế biến như cá viên, doanh nghiệp sẽ không được kết hợp nguyên liệu nhập khẩu và nguyên liệu trong nước. Ảnh: T.H

Phát sinh vướng mắc từ hai nghị định

Ngày 4/5/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/5/2024).

Trước đó, ngày 5/4/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản.

Khi triển khai thực hiện hai nghị định trên, các doanh nghiệp cho rằng, không biết khái niệm "trộn lẫn nguyên liệu" trong cùng một lô hàng được hiểu như thế nào mới đúng. Vì hai nghị định trên và Luật Thủy sản hiện hành cũng không có định nghĩa cụ thể về hành vi "trộn lẫn nguyên liệu".

Thực tế, đối với các doanh nghiệp hải sản việc sản xuất ra thành phẩm của một lô hàng có nguyên liệu từ nhiều loài, nhiều mặt hàng, từ các nguồn khác nhau như khai thác và nhập khẩu là hoàn toàn bình thường, là một thông lệ trong giao thương quốc tế hiện nay. Miễn sao đó là các lô hàng được chứng minh là không khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), được kiểm soát, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm và có đủ giấy tờ cần thiết để xuất khẩu.

Để chứng minh cho bất cập quy định này, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đưa ra dẫn chứng. Cụ thể, theo yêu cầu thị trường, nhiều doanh nghiệp hải sản sản xuất hàng phối trộn hoặc những sản phẩm giá trị gia tăng, như sản phẩm "hải sản xiên que", trong đó một que xiên bao gồm cả cá ngừ, cá dũa (cá ngừ có xuất xứ từ nhập khẩu; cá dũa thu mua trong nước). Các loại nguyên liệu này đều không IUU, truy xuất được và có đủ giấy tờ cần thiết.

Nếu thực hiện quy định kể trên, doanh nghiệp bắt buộc phải tách các miếng cá ra khỏi que; những miếng cá nào có nguồn gốc nhập khẩu thì đóng vào 1 container riêng; những miếng cá nào từ nguồn khai thác trong nước sẽ đóng vào container khác, kèm với số que để xiên. Khi các container riêng rẽ sang được các nước nhập khẩu, khách hàng phải tự lấy 2 loại cá để xiên vào que thành sản phẩm "hải sản xiên que" theo đúng quy cách yêu cầu. Điều này khó có thể thực hiện.

Xem xét gỡ khó cho doanh nghiệp

Ghi nhận kiến nghị của doanh nghiệp thông qua VASEP, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có công văn phản hồi cho biết, hai Nghị định nêu trên có nhiều quy định mới, trong đó có quy định trách nhiệm của doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản. Cụ thể, Khoản 36 Điều 1 Nghị định số 37/2024/NĐ-CP quy định: “Không trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu với nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước vào cùng một lô hàng xuất khẩu”;

Khoản 4 Điều 42 Nghị định số 38/2024/NĐ-CP quy định: “Phạt tiền đối với hành vi trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước và thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu vào Việt Nam xuất khẩu đi các thị trường có yêu cầu cần xác nhận, chứng nhận thủy sản từ khai thác…”.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, các quy định trên xuất phát từ việc xác minh vi phạm về xuất xứ 7 tấn cá kiếm của doanh nghiệp, Ủy ban châu Âu (EC) cho là “rửa cá”. Do vậy, quy định mới tại hai nghị định để đảm bảo việc kiểm soát nguyên liệu nhập khẩu, chế biến xuất khẩu đi châu Âu, minh bạch về nguồn gốc xuất xứ lô hàng xuất khẩu theo yêu cầu của EC.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, các doanh nghiệp hội viên VASEP cho rằng, quy định nêu trên gây ra một số khó khăn cho doanh nghiệp. Ghi nhận vướng mắc này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ rà soát quy định mới tại các nghị định nêu trên sau đợt thanh tra lần thứ 5 của EC vào tháng 10 tới.

Theo đó, nội dung sẽ thực hiện rà soát bao gồm quy định về trộn lẫn nguyên liệu và xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến trộn lẫn nguyên liệu và các quy định khác có liên quan. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Thuỷ sản và các văn bản hướng dẫn mới ban hành.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị VASEP tiếp tục đồng hành, phối hợp với Bộ hoàn thiện các quy định của pháp luật, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu thuỷ sản và chung tay sớm tháo gỡ cảnh báo thẻ vàng của EC.

Theo Tạp chí Hải quan online

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục