(vasep.com.vn) Theo một nghiên cứu của Đại học British Columbia, các khoản trợ cấp nghề cá có hại đang khiến nhiều tàu đánh bắt ít cá hơn, dẫn đến những tác động xấu đến môi trường và xã hội. Nghiên cứu đã định lượng số lượng trợ cấp hỗ trợ đánh bắt cá ở biển khơi, vùng biển trong nước và nước ngoài và phát hiện ra rằng từ 20% đến 37% trợ cấp cho việc đánh bắt cá ở vùng biển bên ngoài phạm vi quyền hạn của quốc gia.
Theo nghiên cứu, các khoản trợ cấp chủ yếu đến từ các quốc gia phát triển, nhưng chúng gây hại một cách không cân xứng cho vùng biển của các nước đang phát triển. Các khoản trợ cấp bao gồm chiết khấu nhiên liệu, miễn thuế, hỗ trợ đóng tàu, tiếp thị và đầu tư cơ sở hạ tầng chế biến. Các khoản trợ cấp khiến các tàu ra khơi đánh bắt kể cả khi đánh bắt không mang lại lợi nhuận. Theo các nhà khoa học, khoản trợ cấp không đúng cách làm tăng đánh bắt không bền vững và khai thác bất hợp pháp.
Ước tính có khoảng 22,2 tỷ USD trợ cấp đã được cung cấp cho các đội tàu đánh cá trên thế giới vào năm 2018, với 5,3 tỷ USD hỗ trợ đánh bắt cá ở vùng biển nước ngoài và trong vùng đặc quyền kinh tế (lên đến 370 km tính từ bờ biển) của các quốc gia nước ngoài và Mỹ và 1 tỷ USD hỗ trợ đánh bắt cá ở biển khơi.
Ngành đánh bắt cá địa phương có thể bị ảnh hưởng khi những chiếc thuyền lớn được “trợ cấp"
Việc đánh bắt cá địa phương có thể bị ảnh hưởng khi những chiếc thuyền lớn, được “trợ cấp”, lấy đi toàn bộ cá và cơ hội sinh kế của ngư dân địa phương. Mất an ninh lương thực trở thành một vấn đề, đặc biệt là đối với các cộng đồng phụ thuộc nhiều vào đánh bắt cá để sinh tồn.
Chính sách sử dụng tiền để thúc đẩy đánh bắt cá không chỉ gây hại cho quần thể cá và khiến nhiều CO2 thải vào khí quyển thông qua nhiên liệu rẻ hơn, mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy khác.
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã cấm một phần trợ cấp nghề cá vào năm 2022, nhưng chỉ áp dụng đối với hoạt động đánh bắt trái phép và đánh bắt đối với trữ lượng khai thác quá mức. Các thành viên WTO sẽ họp lại vào tháng 2/2025 để đàm phán về những phần không được đưa vào thỏa thuận, bao gồm cả việc cấm tất cả các khoản trợ cấp có hại.
Theo số liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO), trữ lượng cá có nguy cơ sụt giảm ở nhiều nơi trên thế giới do khai thác quá mức. Ước tính 34% trữ lượng toàn cầu bị đánh bắt quá mức so với 10% vào năm 1974, trữ lượng cá hồi Đại Tây Dương tự nhiên đã giảm xuống mức thấp nhất được ghi nhận và đang gần đạt tỷ lệ báo động.
Thuỳ Linh (Theo Foodingredient)