Sớm nhận diện tàu cá có nguy cơ vi phạm để gỡ “Thẻ vàng” IUU

Muốn thực sự “xóa sổ” tàu cá vi phạm, tiến tới gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), ông Nguyễn Phú Quốc, Phó Cục trưởng Cục Kiểm Ngư, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp để nhận diện tàu cá có nguy cơ vi phạm ngay từ khi xuất bến, từ đó đưa ra giải pháp ứng phó phù hợp.
Sớm nhận diện tàu cá có nguy cơ vi phạm để gỡ “Thẻ vàng” IUU
Ông Nguyễn Phú Quốc, Phó Cục trưởng Cục Kiểm Ngư, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT).

Trong vấn đề gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” IUU, phía EC đã nêu rõ, nếu Việt Nam còn tàu cá vi phạm tại vùng biển nước ngoài, “Thẻ vàng” không thể được gỡ. Xin ông cho biết, tình trạng ngăn chặn tàu cá khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài hiện nay như thế nào?

Hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân trong 7 tháng năm 2022 gặp nhiều khó khăn. Đến tháng 4/2022, dịch Covid-19 mới cơ bản được kiểm soát. Hoạt động khai thác trên biển trở lại bình thường. Tuy nhiên, giá nhiên liệu tăng cao khiến nhiều tàu cá phải nằm bờ. Giá sản phẩm khai thác không tăng nên nhiều tàu cá đi khai thác bị thua lỗ. Tình trạng thiếu lao động nghề cá vẫn tiếp diễn. Các chủ tàu cá rất khó tìm lao động khi đi biển.

Ngày 23/10/2017, EC cảnh báo “Thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác IUU và đưa ra 9 khuyến nghị yêu cầu Việt Nam cần phải thực hiện để chống khai thác IUU, gỡ “Thẻ vàng”.

Để kiểm tra kết quả thực hiện các khuyến nghị, phía EC đã tổ chức 2 đợt kiểm tra thực tế tại Việt Nam vào tháng 5/2018 và tháng 11/2019 và tiếp tục đưa ra 4 nhóm khuyến nghị yêu cầu Việt Nam cần thực hiện gồm: khung pháp lý; theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, quản lý đội tàu; chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thuỷ sản từ khai thác; thực thi pháp luật.

Dự kiến, sau quá trình gián đoạn do dịch Covid-19, tháng 9/2022, Đoàn kiểm tra của EC sẽ sang kiểm tra thực tế tình hình thực hiện các khuyến nghị tại Việt Nam, tập trung vào kiểm tra thực tế tại cảng cá ở các địa phương.

 

Đối với ngư trường, ở khu vực Vịnh Bắc bộ, sau khi Hiệp định Hợp tác nghề cá Việt Nam và Trung Quốc hết hiệu lực, nhiều tàu cá Việt Nam quay về hoạt động ở phía Tây đường phân định. Trong khi đó, nhiều tàu cá Trung Quốc vẫn vi phạm vùng biển phía Tây đường phân định của Việt Nam, tranh chấp ngư trường với ngư dân.

Đối với các ngư trường phía Nam vùng nước lịch sử Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, vùng biển giáp ranh Indonesia, Malaysia, ngư dân vẫn duy trì hoạt động khai thác thủy sản. Tuy nhiên thời gian qua, khu vực này ngư dân Việt Nam bị bắt tương đối nhiều, đặc biệt khi Malaysia tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ ngư dân.

Tính từ đầu năm đến ngày 18/8, cả nước xảy ra 55 vụ, 86 tàu, 782 ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Trong đó, một số tỉnh có tàu cá bị nước ngoài bắt giữ tương đối nhiều là Kiên Giang, Cà Mau, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Bến Tre, Quảng Ngãi.

Tàu cá vi phạm tại vùng biển nước ngoài thời gian gần đây có diễn biến gì phức tạp, nan giải hơn không, thưa ông?

Quá trình theo dõi tàu cá Việt Nam vi phạm tại vùng biển nước ngoài trong 10 năm qua cho thấy, đa phần khi tàu cá vi phạm nguyên nhân chính xuất phát từ ý chí chủ quan của chủ tàu cũng như thuyền trưởng.

Đáng chú ý thời gian gần đây, diễn biến vi phạm có nhiều vấn đề phức tạp hơn. Có những tàu cá đã tháo thiết bị hành trình ra để lắp đặt vào tàu khác. Ngoài ra, có trường hợp chủ tàu mua 1 tàu cũ, đăng ký tại cảng, có lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, khi tàu đi đánh bắt vi phạm tại vùng biển nước ngoài lại là tàu khác. Thậm chí, có nhiều trường hợp ngư dân tại Cà Mau sang Malaysia khai thác thủy sản đi bằng đường hàng không. Trên hồ sơ giấy đăng ký tàu cá có xác nhận của cơ quan NK Malaysia. Điều này chứng tỏ việc đưa tàu cá đi khai thác tại vùng biển nước ngoài là có chủ ý, có tổ chức.

Theo ông, để có thể “xóa sổ” tình trạng tàu cá vi phạm tại vùng biển nước ngoài, tiến tới gỡ “Thẻ vàng” IUU, cần đẩy mạnh các giải pháp ra sao trong thời gian tới?

Trong những tháng đầu năm nay, lực lượng Kiểm ngư đã thực hiện tuyên truyền cho gần 3.000 lượt ngư dân về thực hiện các khuyến nghị của EC, đặc biệt là vi phạm tại các vùng biển nước ngoài. Đồng thời, lực lượng Kiểm ngư cũng tiến hành tuần tra, kiểm tra ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trên biển. Khoảng 30% tàu cá khi ra khơi có vi phạm pháp luật. Nhiều lỗi vi phạm xuất hiện ngay từ khi tàu trên bờ như không có giấy phép khai thác, không có bằng thuyền trưởng,... Đề nghị chính quyền các địa phương, các trạm biên phòng... kiểm tra chặt chẽ tàu cá trước khi ra khơi.

Với hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá tại vùng biển giáp ranh, mọi vấn đề phải ngăn chặn ngay từ bên trong, phân định được đối tượng có nguy cơ đi khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài. Lực lượng Kiểm ngư đã khoanh vùng đối tượng, phân tích đến từng nhóm nghề, từng địa phương; có những sự việc điều tra ban đầu, gửi hồ sơ phối hợp với cơ quan chức năng để điều tra, thu thập thông tin; đến tận thôn xóm yêu cầu trưởng thôn, chủ tàu lập hòm thư, viết thư cam kết; thành lập nhóm tố giác tội phạm nếu như có đường dây móc nối đi nước ngoài.

Ví dụ, ở góc độ địa phương, các loại tàu từ 15m trở lên tại Bà Rịa-Vũng Tàu tập trung chủ yếu ở huyện Long Điền; tại Bến Tre tập trung chủ yếu ở huyện Ba Tri... Ở góc độ cơ cấu nghề, khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài chủ yếu rơi vào 3 nhóm nghề chính là nghề câu, nghề rê và nghề vây.

Nhìn chung, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp để lập danh sách tàu cá có nguy cơ vi phạm, nhận diện tàu ngay khi xuất bến và có giải pháp khi các tàu này có hành vi vi phạm tại vùng biển giáp ranh.

Mỹ Hạnh (Theo Báo Hải quan online)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục