Khai thác bất hợp pháp ảnh hưởng an ninh lương thực tại Guinea-Bissau

(vasep.com.vn) Guinea-Bissau là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Phi với 1/4 dân số bị ảnh hưởng bởi tình trạng suy dinh dưỡng. Vùng đặc quyền kinh tế của Guinea-Bissau trải dài 200 hải lý tính từ bờ biển của nước này, bao phủ 106.000 km2, Guinea-Bissau sở hữu một số ngư trường dồi dào nhất ở Tây Phi. Vì vậy, nghề cá đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực tại nước này.

Hoạt động đánh bắt cá quy mô nhỏ cung cấp hơn 35% lượng protein động vật cho người dân và tạo việc làm cho hơn 255.000 người. Nhưng phần lớn tiềm năng kinh tế và dinh dưỡng của nghề cá của đất nước đang bị đe dọa bởi hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Giá trị đánh bắt hàng năm của nghề cá ở Guinea-Bissau là 416 triệu USD nhưng 260,7 triệu USD đến từ đánh bắt bất hợp pháp. 

Để hạn chế đánh bắt trái phép, Guinea-Bissau hợp tác với các nước láng giềng thông qua các thỏa thuận khu vực. Nhưng các vấn đề về năng lực và tình trạng tham nhũng trong giới quan chức đang cản trở nỗ lực của nước này trong việc kiểm soát hoạt động đánh bắt cá trong vùng biển của mình.

Tàu cá công nghiệp đang “hủy diệt” đại dương

Các tàu đánh bắt cá công nghiệp ở Guinea-Bissau chủ yếu là các tàu nước ngoài thuê hoặc treo cờ Guinea-Bissau. Thông thường, sản phẩm đánh bắt của các tàu công nghiệp sẽ được cập cảng ở Quần đảo Canary và Senegal. Tuy nhiên, nhiều ngư dân cho rằng tàu công nghiệp đang vi phạm vùng biển được chỉ định chỉ dùng để đánh bắt quy mô nhỏ. 

Theo một nguồn tin, trong năm 2017, sản lượng khai thác hợp pháp của các tàu công nghiệp lên tới 280.620 tấn, trong khi sản lượng khai thác bất hợp pháp của họ là 62.000 tấn. Trong khi đó, sản lượng đánh bắt quy mô nhỏ - bao gồm đánh bắt thủ công, tự cung tự cấp và giải trí - giảm từ 44.700 tấn năm 2013 xuống còn khoảng 27.800 tấn.

Những người đánh bắt thủ công đang “lép vế” trước đánh bắt công nghiệp. Chính phủ Guinea-Bissau nên tăng cường bảo vệ và giám sát các tàu đánh cá công nghiệp để tránh gây thêm thiệt hai cho nền kinh tế trong nước. Lượng cá mỗi khi ngư dân cập bến giảm, dẫn đến giá cao hơn, chi phí cao buộc người bán phải tăng giá. Cho đến khi một chiến lược phù hợp được thực hiện hiệu quả, đánh bắt quá mức và đánh bắt bất hợp pháp sẽ tiếp tục làm giảm quần thể cá và số lượng đánh bắt cho người dân địa phương.

Các quy định yếu kém làm phức tạp cuộc chiến chống IUU

Chống khai thác IUU đặc biệt khó khăn ở Guinea-Bissau do những thiếu sót trong hệ thống tư pháp. Luật thủy sản Guinea-Bissau đề ra các mức phạt đối với các tội đánh bắt cá: các tội rất nghiêm trọng, như đánh bắt trong các khu vực bị cấm, có mức phạt tối đa là 250 triệu CFA (420.000 USD); các vi phạm ít nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như không hợp tác với nhân viên giám sát, dẫn đến mức phạt tối thiểu là 1,5 triệu CFA (2.500 USD). Tuy nhiên, việc chỉ phạt hành chính vẫn chưa đủ “mạnh” vì chủ tàu có thể dễ dàng trả khoản tiền phạt. Luật nên đề ra rõ ràng về việc xác định các giới hạn đối với tàu đánh cá, loại lưới được sử dụng. 

Khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đánh bắt cá ở vùng biển của Guinea-Bissau còn thiếu nhiều khía cạnh. Hơn nữa, luật không được xem xét hoặc cập nhật thường xuyên, khiến nó không đủ để giám sát việc đánh bắt hoặc quản lý hiệu quả quần thể cá.

Cần quản lý và giám sát chặt chẽ hơn

Chú thích ảnh

Khai thác bất hợp pháp ảnh hưởng an ninh lương thực tại Guinea-Bissau

Luật thủy sản chung của Guinea-Bissau trao quyền cho FISCAP giám sát các tàu hoạt động trong vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia. Điều này đặc biệt cần thiết ở Tây Phi, nơi tình trạng đánh bắt trái phép diễn ra phổ biến. Do hệ thống giám sát và kiểm soát đánh bắt cá yếu kém, khiến vùng đặc quyền kinh tế của Guinea-Bissau bị đánh bắt trái phép bởi cả cướp biển và tàu đăng ký hợp pháp.

Dù chính phủ đã thành lập một đơn vị đặc biệt để giám sát và ngăn chặn đánh bắt IUU: Viện Đa dạng sinh học trong các Khu bảo tồn (IBAP) nhưng cơ quan này vẫn còn yếu kém về năng lực. Các đặc vụ giám sát là dân thường nên thiếu chuyên môn, nhiên liệu cũng thiếu thốn do thiếu nguồn tài chính. Điều này làm hoạt động giám sát của cơ quan giảm dần. 

Hợp tác khu vực mang lại hy vọng

Guinea-Bissau là thành viên của Ủy ban nghề cá tiểu vùng (SRFC), cùng với Cabo Verde, The Gambia, Guinea, Mauritania, Senegal và Sierra Leone. Kể từ khi được thành lập vào năm 1985, SRFC đã tạo ra một số giao thức và quy ước để giúp bảo vệ tài nguyên biển.

Tuy nhiên, việc thiếu chia sẻ thông tin trong khu vực đã làm tăng nguy cơ đánh bắt bất hợp pháp. Hơn nữa như báo cáo pháp lý của FAO đã chỉ ra, có ba thỏa thuận đặc biệt quan trọng của Liên hợp quốc mà Guinea-Bissau chưa ký kết: Thỏa thuận tuân thủ của FAO, Thỏa thuận về nguồn cá của Liên hợp quốc và Thỏa thuận về các biện pháp của quốc gia có cảng.

Tham nhũng là một vấn đề nhức nhối

Theo một báo cáo năm 2017 của nhóm vận động Minh bạch Quốc tế, tham nhũng được cho là phổ biến ở Guinea-Bissau. 

Ngay cả Cordeiro, điều phối viên của một đơn vị chính phủ, cũng thừa nhận rằng tham nhũng phổ biến trong các quan chức nhà nước, đặc biệt là liên quan đến tàu đánh cá: “Khi họ bị bắt, một số quan chức cấp cao của chính phủ sẽ can thiệp bằng cách nhận hối lộ. Điều này làm việc chống đánh bắt bất hợp pháp càng thêm khó khăn. 

Thuỳ Linh (Theo maritime)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục