Chiều 21/11, Quốc hội đã thông qua Luật Thủy sản (sửa đổi) năm 2017. Luật Thủy sản có nhiều điểm mới, trong đó, quy định việc giao quyền cấp hạn ngạch cho các địa phương; các quy định của IUU (chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, theo theo quy định) đã được lồng trong Luật.
Cấp hạn ngạch khai thác cho tàu cá
Trao đổi với báo chí chiều 21/11, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, với tỷ lệ 89,8% số Đại biểu đồng ý, Quốc hội đã thông qua Luật Thủy sản (sửa đổi) năm 2017. Theo ông Tám, Luật Thủy sản sửa đổi có cách tiếp cận mới, phù hợp với quá trình hội nhập, cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong sản xuất và kinh doanh.
“Đây là Luật chuyên ngành chi tiết, nên những quy định của Luật có thể áp dụng ngay được. Tuy nhiên, vẫn một số nội dung giao cho Chính phủ, Bộ NN&PTNT hoàn thiện các văn bản hướng dẫn”- ông Tám nói.
Theo ông Tám, một trong những điểm mới của Luật là vấn đề khai thác sẽ chuyển hướng từ nghề cá nhân dân, sang nghề cá có trách nhiệm, phát triển hiệu quả, bền vững.
Theo đó, Luật quy định về hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản, sản lượng khai cho phép khai thác đối với một số loài cá di cư xa và loài thủy sản có tập tính kết đàn. “Đây là bước tiến mới so với Luật Thủy sản năm 2003 để nhằm phù hợp với pháp luật quốc tế về bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản”- ông Tám nói
Luật cũng quy định rõ căn cứ vào kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản, cụ thể là căn cứ vào trữ lượng, sản lượng cho phép khai thác bền vững để xác định hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản, đồng thời phân cấp triệt để việc cấp phép khai thác thủy sản cho UBND cấp tỉnh.
Bộ NN&PTNT xác định, giao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản theo số lượng tàu cá và hạn ngạch sản lượng cho phép khai thác theo loài của một số loài di cư và loài có tập tính kết đàn tại vùng khơi cho các tỉnh, thành phố.
Theo ông Tám, các tỉnh xác định hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản và sản lượng cho phép khai thác theo loài tại vùng ven bờ và vùng lộng thuộc phạm vi quản lý. Như vậy, thông qua quản lý theo hạn ngạch nhằm kiểm soát cường lực khai thác, quản lý phát triển tàu cá bền vững.
Hạn ngạch giấy phép được công bố, điều chỉnh 60 tháng một lần. Trong trường hợp có biến động về nguồn lợi trên cơ sở kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản theo chuyên đề, nghề cá thương phẩm hằng năm, Bộ NN&PTNT, UBND cấp tỉnh điều chỉnh sản lượng cho phép khai thác theo loài.
Ngoài ra, việc quản lý tàu cá cũng thay đỏi, chuyển quản lý từ công suất (CV) sang quản lý theo chiều dài lớn nhất của tàu. Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 mét trở lên tham gia khai thác thủy sản phải có giấy phép, tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét trở lên phải thực hiện đăng kiểm.
Luật quy định điều kiện của cơ sở đóng mới cải hoán, tàu cá và phải được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận đủ điều kiện trước khi hoạt động. Khi đóng mới, cải hoán tàu cá phải có văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.
Tàu cá vi phạm có thể phạt 1 tỷ đồng
Một trong những vấn đề “nóng” gần đây là việc EU giơ “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam liên quan đến vấn đề IUU (đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định).
Theo Thứ trưởng Tám, nội dung của IUU đã dược lồng vào Luật Thủy sản. Theo đó, ngoài việc quản lý khai thác theo hạn ngạch, Luật quy định các hành vi khai thác IUU và chế tài nghiêm khắc với chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm, mức xử phạt cao nhất đối với cá nhân lên đến 1 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, Luật Thủy sản đã lồng các quy định của IUU và các ảnh báo của EU với thủy sản Việt Nam..
Luật cũng quy định thu hồi giấy phép khai thác đối với các nhân, tổ chức khai thác trái phép ở vùng biển ngoài Việt Nam. Quy định chặt chẽ về điều kiện không cấp lại giấy phép khai thác cho tổ chức, cá nhân có tàu cá nằm trong danh sách tàu cá khai thác IUU, không có thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, trong đó tàu 24 mét trở lên phải có giám sát hành trình cập nhật tự động.
Luật Thủy sản cũng quy định trách nhiệm của thuyền trưởng của tàu khai thác từ vùng lộng trở ra phải cập cảng chỉ định do Bộ NN&PTNT công bố; quy định về kiểm tra, kiểm soát, giám sát tổng hợp tại các chương về khai thác, quản lý tàu cá và tăng cường năng lực thực thi cho lực lượng kiểm ngư và các lực lượng thực thi pháp luật có liên quan.
Ngoài ra, Luật cũng quy định nghĩa vụ của tổ chức quản lý cảng cá, trong đó, người đứng đầu tổ chức quản lý cảng cá tổ chức thực hiện thống kê sản lượng thủy sản qua cảng, xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác theo quy định, thu nhận nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản của tàu cá vào cảng, tổng hợp báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo định kỳ hoặc đột xuất theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT.
Quy định quản lý đối với sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác bất hợp pháp tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam thủy sản...Luật cũng quy định việc xử lý đối với hành vi sử dụng tàu cá không quốc tịch hoặc mang quốc tịch của quốc gia không phải là thành viên để khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển quốc tế thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực.
Luật Thủy sản có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2019.
(Theo báo Tiền Phong)