Hàn Quốc sẽ hợp tác tăng cường năng lực của Việt Nam để ứng phó với IUU

Việt Nam đang nỗ lực thực hiện gỡ "thẻ vàng" của EC chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển bền vững ngành thủy sản.
Hàn Quốc sẽ hợp tác tăng cường năng lực của Việt Nam để ứng phó với IUU
Bộ trưởng Ngư nghiệp và Đại dương Kang Do-hyung. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Với chủ đề trên, phóng viên TTXVN tại Seoul đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Hải dương và Thủy sản Hàn Quốc Kang Do-hyung về hợp tác song phương trong lĩnh lực và kinh nghiệm của Hàn Quốc trong đối phó với hoạt động IUU và phát triển nghề cá bền vững.

PV: Ông đánh giá thế nào về hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, xuất nhập khẩu?

Xin chào, rất vui vì có cơ hội chia sẻ với các bạn, những đồng nghiệp Việt Nam của tôi về vấn đề liên quan đến lĩnh vực tôi đang phụ trách. Như các bạn đã biết Việt Nam là đối tác thương mại thủy sản chính của Hàn Quốc. Việt Nam là nước nhập khẩu thủy sản lớn thứ ba của Hàn Quốc và tính đến năm 2023, lượng nhập khẩu đạt xấp xỉ 800 triệu USD. Mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam là tôm và thịt tôm trị giá khoảng 360 triệu USD, bạch tuộc trị giá trên 730 triệu USD. Việt Nam cũng là nước xuất khẩu thủy sản lớn thứ năm sang Hàn Quốc và tính đến năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu sang Hàn Quốc lượng thủy sản trị giá khoảng 240 triệu USD. Mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam là cá ngừ (490 triệu USD), rong biển (3,6 triệu USD, trứng cá (2,4 triệu USD).

Trong năm nay, chúng tôi dự định tiếp tục hợp tác liên quan đến thương mại thủy sản. Chính phủ Hàn Quốc sẽ kết hợp với các công ty lớn như Lotte Mart tại Thành phố Hồ Chí Minh để triển khai các chương trình quảng bá thương mại thủy hải sản kết hợp với nhà hàng.

Cùng với đó, ngoài thương mại, hợp tác giữa Hàn Quốc và Việt Nam ngày càng mở rộng sang lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản. Viện Khoa học Thủy sản Quốc gia Hàn Quốc và Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản Quốc gia Việt Nam (RIA1) đang thực hiện “Dự án hợp tác kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất ngành nuôi trồng thủy sản” tại các tỉnh Nam Định và Ninh Bình ở miền Bắc Việt Nam bắt đầu triển khai từ năm 2022. Thời gian hiệu lực của dự án kéo dài đến năm 2026 với tổng kinh phí 3 tỷ won.

Dự án này nhằm khôi phục hoạt động nuôi trồng loài giáp xác ở khu vực bờ biển phía Bắc Việt Nam, nơi gần đây sản lượng đã giảm mạnh do đánh bắt quá mức và ô nhiễm môi trường, Dự án nhằm hỗ trợ kỹ thuật công nghệ để nâng cao năng suất nuôi trồng loài giáp xác (có vỏ) ở khu vực ngập mặn bãi lầy ven biển. Chúng tôi hy vọng rằng dự án này sẽ giúp phát triển nuôi trồng thủy sản ở cả hai nước và chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng mối quan hệ đối tác để phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững thông qua hợp tác phát triển công nghệ nuôi trồng thủy sản với Việt Nam.

PV: Ông đánh giá thế nào về nỗ lực của Việt Nam và các nước trong khu vực châu Á trong việc dỡ bỏ “thẻ vàng*” của Ủy ban châu Âu về IUU?

Khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo IUU là một vấn đề quan trọng gây ra mối đe dọa lớn đối với việc phát triển nghề cá bền vững và là vấn đề không bao giờ có thể giải quyết được chỉ bằng nỗ lực của một quốc gia. Chúng tôi biết là Việt Nam đang rất muốn gỡ bỏ “thẻ vàng” do Liên minh châu Âu áp đặt. Các nỗ lực, biện pháp của Việt Nam đã thể hiện trong 6 năm qua trên nhiều mặt bao gồm cả ban hành các luật liên quan và quản lý minh bạch thông tin đăng ký tàu cá và giấy phép đánh bắt cá.

Hàn Quốc chúng tôi đang dẫn đầu nhiều hoạt động xây dựng năng lực trên phạm vi quốc tế nhằm ngăn chặn và xóa bỏ hoạt động khai thác thủy sản trái phép. Theo đó, chúng tôi ủng hộ nỗ lực của Việt Nam và các nước châu Á khác trong việc xóa bỏ hoạt động khai thác IUU với tư cách là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Hàn Quốc cũng sẽ hợp tác tăng cường năng lực của các nước châu Á như Việt Nam để ứng phó với IUU.

PV: Xin Bộ trưởng cho biết các biện pháp của Hàn Quốc trong việc ngăn chặn hoạt động khai thác IUU và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành đánh bắt cá ra sao?

Như tôi đã đề cập ở trên, Hàn Quốc đã và đang có những nỗ lực trong nước và quốc tế nhằm xóa bỏ hoạt động khai thác IUU. Theo đó, trong nước, chúng tôi đã bắt buộc triển khai gắn hệ thống giám sát (MCS) trên tất cả các tàu đánh cá biển nước sâu mang cờ Hàn Quốc. Theo đó, hoạt động định vị, hải trình, sản lượng khai thác của các tàu được giám sát thông qua trung tâm theo thời gian thực 24/24 bắt đầu từ năm 2014.

Hàn Quốc cũng kiên quyết mạnh tay thực thi biện pháp ngăn chặn tất cả các tàu cá khai thác IUU vào cảng và đưa sản lượng đánh bắt bất hợp pháp vào cảng nội địa. Cùng với đó, chúng tôi đã cải thiện đáng kể các luật và hệ thống quy định liên quan để trở thành quốc gia đi đầu, có trách nhiệm với hoạt động IUU. Chúng tôi đã thực thi hệ thống xử phạt để thu hồi lợi nhuận không công bằng từ hoạt động đánh bắt IUU và tăng cường hệ thống giám sát để ngăn chặn các hành vi IUU với các quốc gia có cảng biển.

Cùng với đó, chúng tôi đã thúc đẩy hợp tác với cộng đồng quốc tế bằng cách thiết lập hệ thống hợp tác song phương và đa phương để xóa bỏ hoạt động khai thác IUU. Hàn Quốc đã chủ trì tổ chức các cuộc thảo luận về các vấn đề liên quan đến việc xóa bỏ hoạt động đánh bắt cá IUU, chẳng hạn như mở rộng hoạt động đánh bắt cá tuân thủ luật pháp và giảm đánh bắt bất hợp pháp trong các tổ chức nghề cá khu vực.

Bằng cách tham gia “Liên minh hành động IUU”, chúng tôi cũng đã thúc đẩy các dự án hỗ trợ cho các nước đang phát triển nhằm mở rộng việc thực hiện Thỏa thuận về biện pháp các quốc gia có cảng của FAO (PSMA).

Ngoài ra, thông qua Chương trình xây dựng năng lực ứng phó IUU (CAPFISH) phối hợp với Đại học Hàng hải thế giới (WMU), chúng tôi đang góp phần tăng cường khả năng của các nước đang phát triển để ứng phó với hoạt động đánh bắt IUU bằng cách cung cấp chương trình đào tạo phù hợp với đặc điểm của các nước đang phát triển. Trong tương lai, chúng tôi hy vọng Hàn Quốc và Việt Nam sẽ xây dựng quan hệ đối tác và cùng nhau phát triển nhằm ngăn chặn hoạt động khai thác IUU và phát triển ngành thủy sản bền vững.

PV: Ông có thể cho biết về các quy định và biện pháp xử phạt của Hàn Quốc đối với tàu đánh cá nước ngoài và ngư dân đánh bắt hải sản trái phép trên vùng biển Hàn Quốc?

Chính phủ Hàn Quốc có quan điểm xử lý nghiêm khắc hành vi đánh bắt trái phép của tàu cá nước ngoài, qua đó bảo vệ chủ quyền biển và bảo vệ nguồn lợi thủy sản của đất nước. Căn cứ luật pháp và các quy định liên quan, Hàn Quốc thực hiện hướng dẫn, trấn áp và quản lý các hoạt động đánh bắt trái phép của người nước ngoài theo hai luật chính là Đạo luật về chủ quyền hoạt động kinh tế, ngư nghiệp và Đạo luật về lãnh hải và vùng tiếp giáp.

Trong trường hợp quốc gia nào đó có ký kết thỏa thuận đánh cá riêng với Hàn Quốc, các điều kiện đánh bắt và quy định về thủ tục nhập cảnh của tàu cá hai nước sẽ được áp dụng bổ sung.

Nếu tàu cá nước ngoài đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế mà không có sự cho phép của Bộ trưởng Bộ Đại dương và Thủy sản Hàn Quốc, chúng tôi sẽ có hành động kiên quyết, căn cứ theo các quy định của luật pháp Hàn Quốc. Các tàu cá nước ngoài vi phạm có thể bị xử phạt hành chính 300 triệu won. Kể cả các tàu cá nước ngoài được cấp phép vi phạm luật pháp của Hàn Quốc và các điều kiện cấp phép, chúng tôi kiên quyết xử phạt để duy trì trật tự luật pháp. Các hình thức có thể phạt hành chính, đình chỉ và hủy bỏ giấy phép hoạt động.

Quan điểm của chính phủ Hàn Quốc là thượng tôn pháp luật song tăng cường trao đổi thông tin, nâng cao nhận thức, giáo dục, không sử dụng hành vi bạo lực.

(Theo baotintuc.vn

Chia sẻ:


Email: tannd@vasep.com.vn
Điện thoại

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục