Các Hội/Hiệp hội và doanh nghiệp ngành hàng thực phẩm ủng hộ chủ trương của Chính phủ về cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe nhân dân, đó cũng chính là nhiệm vụ, mục tiêu và lợi ích của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, chúng tôi vô cùng quan ngại với Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 09/2016/NĐ-CP đang được Bộ Y Tế đưa ra lấy ý kiến trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ ngày 3/7/2024, khi Dự thảo chưa thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ trong Nghị quyết 19-2018/NQ-CP, và 2 ý kiến chỉ đạo liên tiếp trong hai năm 2023, 2024 của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khi yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương thực hiện Nghị quyết 19, cũng như bỏ qua rất nhiều ý kiến phản ánh về các bất cập và đề xuất biện pháp giải quyết của các Hội/Hiệp hội ngành thực phẩm suốt 8 năm qua.
Ngày 15/7/2024, các Hội/Hiệp hội ngành hàng thực phẩm đã tổ chức Hội thảo “Góp ý về chính sách tăng cường vi chất dinh dưỡng vào nguyên liệu sử dụng trong chế biến thực phẩm” để cùng các chuyên gia y tế, chuyên gia thực phẩm, cộng đồng doanh nghiệp thảo luận, phân tích, đánh giá các nội dung của Dự thảo từ và trên cơ sở đó, tổng hợp ý kiến góp ý làm cở sở lý luận cùng chung tay góp ý xây dựng và hoàn thiện Dự thảo với Bộ Y tế và Chính phủ nhằm đảm bảo tính khả thi của quy định này sau khi được sửa đổi, vì sức khỏe người dân và sự phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp ngành chế biến thực phẩm.
Các Hội/Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp thực phẩm trân trọng đề nghị Thủ tướng, Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế sớm hoàn thiện và ban hành Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 09, phù hợp với Nghị quyết 19/2018/NQ-CP, Hiến pháp 2013, và Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng. Chúng tôi xin đề xuất giải pháp thực hiện như sau:
1. Khuyến khích bổ sung i-ốt cho muối dùng trong chế biến thực phẩm và khuyến khích tăng cường sắt và kẽm vào bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm (đúng theo Nghị quyết 19), thay cho việc quy định bắt buộc như hiện nay.
2. Bổ sung bắt buộc i-ốt cho muối dùng trong hộ gia đình và dịch vụ ăn uống trực tiếp (đúng theo Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030) và các gia vị mặn dạng rắn.
3. Cho phép các cơ sở sản xuất muối được cung cấp muối không bổ sung i-ốt để sử dụng theo nhu cầu của những người thừa i-ốt. Yêu cầu ghi nhãn thật rõ ràng về muối i-ốt và lợi ích phòng chống bướu cổ để phân biệt với muối thường dùng cho người thừa i-ốt.