Thời gian qua, cộng đồng DN thủy sản trên toàn quốc đã & đang gặp vướng mắc không nhỏ về các quy định liên quan đến liên quan về chỉ tiêu Phospho, Nito, Amoni trong nước thải chế biến thuỷ sản sau xử lý tại QCVN 11:2015 và việc áp dụng quy chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT cho nước thải ao nuôi cá tra-tôm thâm canh. Bất cập vướng mắc kể trên đã được VASEP có nhiều văn bản kiến nghị và cuộc họp với đại diện Bộ TNMT cũng như Tổng cục Môi trường từ 2017 tới nay.
Từ cuối năm 2020, Bộ TNMT đã xây dựng dự thảo QCVN mới thay thế cả QCVN 40:2011/BTNMT (QCVN 40) và QCVN 11:2015/BTNMT (QCVN 11). VASEP đã có hai công văn số 29/CV-VASEP ngày 19/3/2021 và 104/CV-VASEP ngày 30/8/2021 góp ý cho dự thảo này cũng như có buổi họp trao đổi chuyên môn chiều ngày 08/4/2021 giữa đại diện lãnh đạo Tổng cục Môi trường và các DN, chuyên gia của VASEP về các bất cập tại dự thảo nói trên. Tuy nhiên, dự thảo mới này đã sắp sửa được ban hành nhưng đến tận phiên bản cuối cùng vẫn chưa giải quyết các tồn tại, vướng mắc mà VASEP kiến nghị trong suốt 5 năm qua.
Vì sự phát triển bền vững của ngành hàng và khả năng công nghệ xử lý nước thải hiện có, trên cơ sở tổng hợp ý kiến từ các DN và nghiên cứu của các chuyên gia, Hiệp hội nhận thấy rằng các nội dung của dự thảo QCVN mới vẫn chưa phù hợp và có các tác động ảnh hưởng tiêu cực lớn đến sự phát triển của ngành thủy sản, một trong những ngành kinh tế trọng điểm của Việt Nam hiện nay, đồng thời cũng chưa phù hợp với các thông lệ quốc tế hiện hành. Các bất cập, vướng mắc cụ thể:
1. Vướng mắc thứ nhất: quy định ngưỡng tối đa chỉ tiêu Phospho trong nước thải chế biến thuỷ sản sau xử lý quá nghiêm ngặt so với đặc thù ngành
2. Vướng mắc thứ 2: áp dụng QCVN về nước thải công nghiệp cho các ao nuôi thủy sản thâm canh
KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT:
Để hỗ trợ ngành thủy sản, một ngành hàng trọng điểm của nền kinh tế, có các cơ hội thực hiện tốt chiến lược phát triển thủy sản đến 2030 như Quyết định 339/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, giúp các DN thủy sản nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, vừa đảm bảo công tác quản lý nhà nước về môi trường, bằng công văn này, Hiệp hội khẩn thiết kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét và có ý kiến chỉ đạo:
1. Tạm dừng chưa phát hành QCVN về nước thải công nghiệp để có các đánh giá tác động cụ thể của QCVN mới đối về kinh tế và xã hội.
2. Đưa trại-ao nuôi thuỷ sản vào phạm vi điều chỉnh của Dự thảo QCVN 62:2021/BTNMT (nước thải chăn nuôi), và thuộc Cột B của cơ sở phải đăng ký môi trường thay vì đang nằm trong QCVN nước thải công nghiệp.
3. Với nước thải từ nhà máy chế biến thuỷ sản:
- Không gộp nước thải chế biến thủy sản vào Dự thảo QCVN công nghiệp chung nhiều ngành nghề khác nhau; hoặc có điều khoản riêng cho chế biến thủy sản tại dự thảo QCVN nước thải công nghiệp mới do yếu tố đặc thù của ngành như đã thực hiện riêng trong suốt hơn 20 năm qua.
- Nâng ngưỡng cho phép của chỉ tiêu phospho lên mức 40ppm (cột B) và 30ppm (cột A) để phù hợp với điều kiện thực tế của DN chế biến thủy sản Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế các nước trong khu vực; sau khi hết lộ trình áp dụng 10 năm (đến 2031) như kiến nghị mục (3) dưới đây thì đưa ngưỡng phospho về mức 20ppm.
- Áp dụng lộ trình thực hiện 10 năm cho QCVN mới theo thông lệ quốc tế (như trường hợp của Mỹ và một số nước là 10 năm) để có thời gian cho phép DN chuyển đổi công nghệ, đầu tư và nâng cấp hệ thống xử lý nước thải của nhà máy.
- Giữ nguyên ngưỡng kiểm soát của Amoni và Ni-tơ như trong QCVN 11-MT:2015.