Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến việc thành lập và quản lý các KBTB cấp tỉnh.
KBTB cấp tỉnh được phân loại thành Khu bảo tồn loài, sinh cảnh; Khu dự trữ tài nguyên thiên nhiên thủy sinh.
Khu bảo tồn loài, sinh cảnh đáp ứng đủ các tiêu chí sau:
- Là khu vực biển có một hay nhiều loài động, thực vật thủy sinh quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, cần được bảo vệ; có các hệ sinh thái tiêu biểu còn nguyên vẹn hoặc ít bị tác động của con người, cần được quản lý, bảo vệ, bảo tồn;
- Là khu vực biển có giá trị về sinh thái, môi trường đáp ứng phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, giáo dục, du lịch, nghỉ dưỡng.
Khu dự trữ tài nguyên thiên nhiên thủy sinh đáp ứng đủ các tiêu chí sau:
- Là khu vực biển có các hệ sinh thái tiêu biểu, nơi cư trú hoặc kiếm ăn của nhiều loài động vật thủy sinh; có các bãi đẻ hay khu vực tập trung các loài thủy sinh chưa trưởng thành; nguồn giống bổ sung cho các vùng biển liền kề;
- Là khu vực biển có giá trị về sinh thái, môi trường đáp ứng phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, giáo dục, du lịch, nghỉ dưỡng.
Các hoạt động trong KBTB bao gồm:
- Bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái tiêu biểu;
- Bảo vệ và phát triển các loài nguy cấp, quý, hiếm;
- Nghiên cứu khoa học, giáo dục nâng cao nhận thức và thực tập trong KBTB;
- Quan trắc đa dạng sinh học;
- Tham quan và du lịch trong KBTB.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 22/7/2013.
Đối với các Ban quản lý KBTB được thành lập và đi vào hoạt động trước ngày ký ban hành Thông tư trên sẽ phải tiến hành rà soát, điều chỉnh lại cơ cấu tổ chức theo khoản 2, khoản 3, Điều 6 của Thông tư này.