Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng của các Bộ, ngành và các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến thị trường nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng như: lúa gạo, nông sản, thủy sản, tình hình sản xuất lúa gạo, nông sản, thủy sản trong nước và diễn biến cung cầu, giá cả thị trường nội địa; tham mưu, đề xuất các giải pháp phục vụ điều hành xuất khẩu nói chung và gạo, nông sản, thủy sản nói riêng.
Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương chỉ đạo, đốn đốc các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam nghiên cứu, theo dõi sát thông tin về tình hình thị trường, cụ thể: Chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại Indonesia theo dõi sát tình hình, tiếp tục chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng của Nộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trao đổi, vận động phía Indonesia: (i) bổ sung danh sách các Phòng kiểm nghiệm của Việt Nam được phép cấp Giấy chứng nhận phân tích (CoA) đối với các sản phẩm có nguồn gốc thực vật; (ii) sớm công nhận Hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm của Việt Nam; (iii) tiến hành đàm phán để sớm ký kết Thỏa thuận hợp tác về an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng nông sản.
Vụ Thị trường châu Âu chỉ đạo, đôn đốc các Thương vụ Việt Nam nghiên cứu, theo dõi sát thông tin về tình hình thị trường, cụ thể: Chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại khu vực EU theo dõi sát tình hình, chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: (i) trao đổi, vận động EU tháo gỡ phương thức kiểm tra tăng cường hiện đang áp dụng đối với rau quả Việt Nam, sớm công nhận tiêu chuẩn VietGap trong nuôi trồng thủy sản và chứng nhận thủy sản có nguồn gốc đánh bắt của Việt Nam; (ii) tham mưu, đề xuất với Lãnh đạo Bộ việc hỗ trợ doanh nghiệp thành lập đầu mối phân phối các sản phẩm cá tra tại EU để tránh cạnh tranh không lành mạnh, tận dụng các ưu đãi, lợi thế trong Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU để đẩy mạnh XK các sản phẩm thủy sản vào EU.
Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký.