Theo Thông tư, duy tu, sửa chữa tàu cá vỏ thép có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên là các cấp sửa chữa định kỳ, bao gồm bảo dưỡng, tiểu tu, trung tu, đại tu để khắc phục những hư hỏng nhằm đảm bảo cho tàu cá thỏa mãn hoạt động đến chu kỳ sửa chữa sau.
Cụ thể, bảo dưỡng là việc đưa tàu vào sửa chữa nhỏ, đánh gỉ, làm sạch bề mặt, sơn dặm tàu từ mớn nước trở lên và các trang thiết bị mặt boong nhằm đảm bảo cho tàu cá thỏa mãn hoạt động sau 12 tháng tính từ lần đăng kiểm trước đó; tiểu tu là việc loại bỏ những hư hỏng nhỏ bằng cách thay mới hoặc khôi phục lại các chi tiết bị hao mòn sau 24 tháng tính từ lần đăng kiểm trước đó; trung tu là việc kiểm tra toàn bộ tình trạng kỹ thuật của tàu, thay mới hoặc sửa chữa các cụm chi tiết, các chi tiết bị mòn và sửa chữa các kết cấu vỏ tàu nhằm đảm bảo cho tàu cá có khả năng thỏa mãn hoạt động được đến chu kỳ đại tu (sau 36 tháng tính từ lần đăng kiểm trước đó); đại tu là khảo sát toàn bộ các bộ phận của tàu, thay mới, hoặc sửa chữa các bộ phận kể cả vỏ tàu. Đại tu có thể kèm thêm công việc hiện đại hóa cải tiến các trang thiết bị nhằm tăng chất lượng kỹ thuật, chất lượng khai thác của tàu cá, tăng các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, tăng năng suất lao động, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho thuyền viên (sau 60 tháng tính từ lần đăng kiểm trước đó).
Trung bình, cứ 500 giờ thực hiện bảo dưỡng 01 lần; 1.500 giờ thực hiện tiểu tu 01 lần; 6.000 giờ thực hiện trung tu và 12.000 giờ thực hiện đại tu các phần máy tàu. Tùy thuộc vào kết quả kiểm tra, sẽ tiến hành sửa chữa cụ thể đối với tình trạng máy; tuy nhiên, sửa chữa trung tu có thể thay thế từ 1/3 đến ½ phụ tùng toàn bộ máy; sửa chữa đại tu có thể thay thế 1/2 phụ tùng toàn bộ máy.Đặc biệt, chủ tàu có thể mời cơ quan đăng kiểm, kiểm tra không đồng thời với các đợt kiểm tra hàng năm, trên đà, định kỳ nhưng phải đảm bảo sự có mặt của đăng kiểm viên khi thực hiện tiểu tu từ lần thứ hai trở đi và khi trung tu, đại tu phần máy tàu.
Chế độ thay dầu nhờn máy sau khi sửa chữa các cấp trung tu và đại tu, được quy định như sau: lần thứ nhất: Sau 100 giờ hoạt động; lần thứ hai: Sau 200 giờ hoạt động; lần thứ ba: Sau 300 giờ hoạt động; lần thứ tư trở đi: Sau 500 giờ hoạt động.
Thông tư cũng quy định cụ thể nội dung cần sửa chữa trong những lần bảo dưỡng, tiểu tu, trung tu và đại tu ở các bộ phận: vỏ tàu; chân vịt; hệ thống hút khô- dằn; thiết bị lái; trang thiết bị an toàn; động cơ, cơ cấu chuyển động...
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/08/2014.