Doanh nghiệp thủy sản kiến nghị gỡ khó về yêu cầu mã số mã vạch trên hàng xuất khẩu

(vasep.com.vn) Ngày 31/3/2020, VASEP đã gửi công văn số 34/2020/CV-VASEP tới Tổng cục Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) kiến nghị giải quyết vướng mắc trong quy định mã số mã vạch trên bao bì hàng XK.

Hiện nay, quy định nói trên đang làm phát sinh thêm thủ tục hành chính và làm gia tăng thêm chi phí cho DN. DN đang phải trả phí 500.000 đ/lần đăng ký (đối với Hồ sơ có ít hơn hoặc bằng 50 mã sản phẩm) hoặc 10.000 đ/sản phẩm (đối với Hồ sơ trên 50 mã sản phẩm). Với số lượng lớn các sản phẩm XK hiện nay của Việt Nam, tổng chi phí của các DN phải chi trả cho việc ghi mã số, mã vạch trên nhãn cho các lô hàng XK là một con số không nhỏ.

Thời gian qua, VASEP nhận được phản ánh của DN hội viên về việc Hải quan các cửa khẩu yêu cầu các lô hàng XK đều phải có Giấy xác nhận của Cơ quan có thẩm quyền về mã số, mã vạch cho các trường hợp cụ thể khi đăng ký sử dụng mã số mã vạch nước ngoài theo khoản 2, Điều 19b của Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm. Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 119/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Nhưng khi DN liên hệ với cơ quan có thẩm quyền ở tỉnh để xin cấp Giấy xác nhận thì được thông báo là DN phải liên hệ với Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia (GS1) tại Hà Nội do địa phương không có thẩm quyền. Mà khi thực hiện thủ tục đăng ký sử dụng mã số, mã vạch nước ngoài theo hướng dẫn của GS1, thủ tục xin cấp Giấy xác nhận với GS1 còn yêu cầu phải có: (1) Thư ủy quyền phải yêu cầu có thời hạn ủy quyền và (2) Hồ sơ chứng minh mã số, mã vạch của khách được cơ quan thẩm quyền của nước họ chứng nhận (phải kèm bảng dịch thuật tiếng Việt).

Các giấy tờ trên đều thường khó xin, tốn nhiều thời gian, các thủ tục đều phải làm trên hồ sơ giấy, chưa có thủ tục đăng ký qua mạng, chưa kể thủ tục xử lý tại GS1 sau khi có đủ hồ sơ & nộp phí thì nhanh nhất cũng phải 2-3 ngày mới có kết quả và giấy xác nhận cũng chỉ có giá trị trong 06 tháng. Việc yêu cầu khách hàng phải cung cấp quá nhiều giấy tờ đang tạo ra khó khăn trong XK hàng hóa của các DN. Trong khi đó, DN thường xuyên có thêm khách hàng mới nên mã số, mã vạch của các sản phẩm cũng phải đổi mới và cập nhật thường xuyên, gây mất rất nhiều thời gian cũng như chi phí cho DN.

Trước những vướng mắc này của DN hội viên, VASEP đã cuộc họp với đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng vào ngày 13/3/2020 về những bất cập liên quan quy định đăng ký sử dụng mã số mã vạch nước ngoài trên bao bì các lô thủy sản XK gây ảnh hưởng lớn tới sản xuất, xuất khẩu của các DN trong gần 1 tháng trước đó, đúng dịp cộng đồng DN gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19.

Theo kết quả cuộc họp này, VASEP đã tiến hành rà soát hệ thống cơ sở pháp lý của Việt Nam và không tìm thấy có cơ sở nào đầy đủ, thuyết phục cho quy định liên quan đến mã số mã vạch đối với hàng xuất khẩu.

Theo các Luật hiện hành của Việt Nam hiện nay, thì hàng hóa XK của chúng ta phải đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu quy định.

Theo chủ trương chung của Chính phủ hiện nay là cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện đơn giản các thủ tục hành chính để khuyến khích sản xuất, XK. Áp dụng điện tử hóa, phân cấp và không là rào cản cho người dân và DN. Các quy định đối với hàng XK sẽ thực hiện theo yêu cầu nhà NK miễn là không vi phạm pháp luật của Việt Nam và nước NK.

Trong Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007, VASEP không thấy có quy định nào về việc sử dụng MSMV. Luật chất lượng SPHH, điều 71, cũng chỉ quy định Chính phủ hướng dẫn một số nội dung rất cụ thể của Luật, và toàn bộ những nội dung cần Chính phủ hướng dẫn cũng không có nội hàm nào liên quan đến MSMV.

Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về Ghi nhãn hàng hóa cũng không có bất cứ yêu cầu nào về ghi nhãn nói chung và ghi mã số mã vạch nói riêng đối với hàng xuất khẩu.

Tuy nhiên, từ Nghị định 74/2018/NĐ-CP mới bắt đầu xuất hiện việc bổ sung các quy định về mã số mã vạch tại Điều 19b như nêu trên. Nghị định 74/2018 chỉ là Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 132/2008/NĐ-CP về hướng dẫn một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa. Như vậy, từ 2018 trở về trước hoàn toàn không có các quy định pháp quy về việc bắt buộc ghi nhãn mã số mã vạch cho các lô hàng XK.

Ngay như Thông tư 15/2006/QĐ-BKHCN ngày 23/8/2006 của Bộ KHCN về việc ban hành quy định về việc cấp, sử dụng và quản lý mã số mã vạch cũng chỉ nêu đối tượng sử dụng là các Tổ chức-cá nhân "có nhu cầu sử dụng mã số mã vạch". Việt Nam đã tham gia vào tổ chức mã số mã vạch Quốc tế (GS1) từ năm 1995. GS1 quốc tế (trước kia là EAN Quốc tế) là một tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động với mục đích chính là đẩy mạnh áp dụng hệ thống GS1 trên toàn cầu. 

Điều 32 của Nghị định 119/2017 về xử phạt vi phạm hành chính cũng không có điều khoản nào xử phạt DN và người dân nếu không có "giấy xác nhận của CQNN có thẩm quyền đối với việc DN sử dụng MSMV của tổ chức nước ngoài ủy quyền" (mục b) Khoản 2) Điều 19b – NĐ 74/2018).

Từ khi Việt Nam đã tham gia vào Tổ chức Mã số mã vạch Quốc tế (năm 1995) đến nay, hàng năm thủy sản Việt Nam XK đi hơn 160 thị trường trên thế giới nhưng chưa gặp vướng mắc nào về MSMV tại các nước NK.

Hiện nay, quy định nói trên đang làm phát sinh thêm thủ tục hành chính và làm gia tăng thêm chi phí cho DN. DN đang phải trả phí 500.000 đ/lần đăng ký (đối với Hồ sơ có ít hơn hoặc bằng 50 mã sản phẩm) hoặc 10.000 đ/sản phẩm (đối với Hồ sơ trên 50 mã sản phẩm). Với số lượng lớn các sản phẩm XK hiện nay của Việt Nam, tổng chi phí của các DN phải chi trả cho việc ghi mã số, mã vạch trên nhãn cho các lô hàng XK là một con số không nhỏ.

Do đó, theo các cơ sở pháp lý hiện hành, VASEP đề nghị:

- Bộ Khoa học và Công nghệ đưa vấn đề này vào kế hoạch sớm của Quý 2-3/2020, trình Chính phủ sửa đổi Khoản 2 Điều 19b của Nghị định số 74/2018/NĐ-CP theo hướng đáp ứng đồng bộ hóa các văn bản pháp lý để bãi bỏ việc áp dụng các quy định về ghi mã số mã vạch cũng như phải thông báo với Cơ quan thẩm quyền Việt Nam để được xác nhận việc sử dụng mã số mã vạch nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu. Hàng hoá XK của Việt Nam chỉ cần ghi nhãn theo hợp đồng mua bán hàng hoá hoặc theo yêu cầu của nhà NK với điều kiện những yêu cầu này không làm sai lệch bản chất của hàng hoá, không vi phạm pháp luật Việt Nam và nước nhập khẩu.

- Bộ Khoa học và Công nghệ có văn bản đề xuất Bộ Tài chính giảm 50% phí cấp mã số mã vạch cho các DN theo định hướng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giảm chi phí cho DN để hỗ trợ DN trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu do dịch bệnh Covid-19.

-Tổng cục Đo lường Chất lượng, trên cơ sở rà soát văn bản pháp lý hiện hành, có ngay văn bản gửi Tổng cục Hải quan, theo đó để doanh nghiệp được tự chịu trách nhiệm trong sử dụng mã số mã vạch của nước ngoài in trên bao bì sản phẩm dùng để xuất khẩu và sẽ lưu trữ văn bản ủy quyền của nhà NK để xuất trình khi có yêu cầu của các cơ quan kiểm tra/thanh tra có liên quan. Các cơ quan Hải quan không cần kiểm tra Giấy xác nhận của Cơ quan có thẩm quyền về mã số, mã vạch cho các trường hợp đăng ký sử dụng mã số mã vạch nước ngoài để tạo điều kiện thông quan nhanh cho các lô hàng XK.

- Tổng cục Đo lường Chất lượng sớm đưa thủ tục xin cấp mã số mã vạch, đăng ký/xác nhận sử dụng mã số mã vạch nước ngoài thành thủ tục online điện tử theo định hướng của Chính phủ, tích hợp với Cổng thông tin một cửa quốc gia để giúp giảm bớt thời gian làm thủ tục và tạo điều kiện thuận lợi cho DN.

Đồng thời đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ và Tổng cục Đo lường Chất lượng xem xét việc phân cấp về thủ tục cấp mã số mã vạch cho Sở KHCN các địa phương hoặc quản lý theo khu vực như rất nhiều các hệ thống quản lý nhà nước khác đã và đang thực hiện.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • T1
  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM