Nuôi tôm càng xanh xen canh, nông dân sống khỏe

Tôm càng xanh đang trở thành con nuôi chủ lực tại nhiều địa phương trong tỉnh Thanh Hóa. Người dân cũng khấm khá hơn từ giá trị con tôm mang lại.

Đánh thức tôm lúc nửa đêm để nói chuyện

Nhận thấy mô hình nuôi xen canh - cá lúa không mấy hiệu quả, năm 2022, anh Trần Xuân Hạnh (thôn 1, xã Quang Trung, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) chuyển hướng sang nuôi tôm càng xanh xen canh lúa trên diện tích 1,25 ha. Vụ nuôi đầu tiên, mô hình nuôi tôm xen canh lúa mang lại cho gia đình anh thu nhập khoảng 20 triệu đồng sau khi trừ hết chi phí.

Nhận thấy nuôi tôm càng xanh xen canh lúa có triển vọng trên đồng đất quê hương, anh quyết định mở rộng quy mô nuôi lên 2 vạn con giống. Quá trình nuôi, anh Hạnh nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật, con giống từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thanh Hóa và Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thị xã Bỉm Sơn.

Sau 6 tháng nuôi thả, tôm càng xanh đã bước vào giai đoạn thu hoạch, hứa hẹn cho năng suất và thu nhập cao. Đầu vụ thu hoạch này, anh Hạnh đã xuất bán khoảng 1 tạ tôm với giá bán 300 nghìn đồng/kg. Dự kiến vụ hè thu năm nay, anh Hạnh thu hoạch khoảng 4 tạ tôm, ước tính cho nhập khoảng 120 triệu đồng.

Anh Trần Đức Hạnh nuôi thành công tôm càng xanh xen canh lúa. Ảnh: Quốc Toản.

Anh Trần Đức Hạnh nuôi thành công tôm càng xanh xen canh lúa. Ảnh: Quốc Toản.

Anh Hạnh chia sẻ, để tôm cho sản lượng cao, phải chăm sóc tôm như con đẻ của mình. Bởi vậy, có hôm nửa đêm gà gáy, anh Hạnh còn cặm cụi kéo vó ngoài ao, rồi ngồi một hồi lâu bên chậu tôm thủ thỉ như đang nói chuyện với tôm. Chủ đầm tôm càng xanh chia sẻ, anh từng mất ngủ nhiều đêm để nghiên cứu, nắm bắt tập tính của tôm, từ đó đưa ra các giải pháp hữu ích về thức ăn, cách phòng trị bệnh cho tôm.

“Tôi phát hiện thấy rằng, 1 con tôm càng xanh có thể ăn 20 hạt cám nhỏ trong vòng khoảng 10 phút. Như vậy, với lượng tôm lên tới cả vạn con phải bố trí lượng thức ăn phù hợp và nuôi với mật độ phù hợp. Nếu cho tôm ăn thừa, thức ăn sẽ đọng lại dưới đáy ao, gây ô nhiễm, khiến tôm nhiễm bệnh. Nếu cho tôm ăn ít, tôm sẽ đói và ăn thịt lẫn nhau, gây hao hụt đàn. Bên cạnh đó, phải thường xuyên kiểm tra ao nuôi và bệnh lý trên tôm càng xanh để có biện pháp phòng trị kịp thời”, anh Hạnh cho biết.

Dự kiến vụ này, anh Hạnh thu hoạch khoảng 4 tạ tôm, ước tính thu nhập đạt khoảng 120 triệu đồng. Ảnh: Quốc Toản.

Dự kiến vụ này, anh Hạnh thu hoạch khoảng 4 tạ tôm, ước tính thu nhập đạt khoảng 120 triệu đồng. Ảnh: Quốc Toản.

Anh Hạnh đặc biệt lưu ý, nuôi tôm càng xanh phải chú ý tới kỹ thuật bẻ càng tôm: “Càng tôm vừa có nhiệm vụ nghiền và đưa thức ăn vào cơ thể, vừa giúp tôm bảo vệ bản thân. Càng tôm phát triển rất nhanh nên phải thực hiện bẻ càng 2 lần/vụ nuôi (bẻ càng sau 75 ngày nuôi đầu tiên và 2 tháng kế tiếp). Việc bẻ càng tôm nhằm mục đích giúp tôm tập trung chất dinh dưỡng nuôi cơ thể và lột xác nhanh hơn”.

Theo anh Hạnh, tôm càng xanh là động vật có sức đề kháng tốt, sinh trưởng nhanh, ít nhiễm bệnh, thích hợp với nuôi quảng canh. Tuy nhiên, người nuôi không nên chủ quan trước một số bệnh mà tôm có thể gặp phải.

“Tôm càng xanh thường nhiễm bệnh đóng rong (rong bám ở đầu tôm), khiến tôm hô hấp kém và không thể lột xác thậm chí có thể gây chết. Do đó, để giảm thiểu tác động của môi trường đến con tôm, cần vệ sinh ao nuôi định kỳ. Bên cạnh đó, vào mùa hè, nhiệt độ trong ao nuôi cao, người nuôi cần bổ sung trực tiếp vitamin tổng hợp cho tôm và thường xuyên thay nước, xử lý đáy ao. Cần hạn chế cho tôm ăn cám công nghiệp, thay bằng các loại cá tạp, tép, ốc bươu. Từ tháng thứ 3 trở đi nên cho tôm ăn cám hỗn hợp từ bột ngô, bã bia, rau xanh…”, anh Hạnh chia sẻ.

Đến nay, anh Hạnh đã mở rộng quy mô nuôi tôm càng xanh thêm 2 ao nuôi vệ tinh, đồng thời tích cực vận động bà con phát triển mô hình nuôi tôm càng xanh trên địa bàn xã. Cũng theo chủ đầm, hiện nay giá tôm càng xanh đang ở mức cao và thị trường tiêu thụ rất tốt nên nông dân được hưởng lợi. Sản lượng tôm hàng năm của gia đình không đủ để cung cấp cho nhu cầu của các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn huyện.

Ông Nguyễn Vinh Quang, cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thị xã Bỉm Sơn cho biết, mô hình nuôi tôm càng xanh xen canh lúa gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm tại thị xã Bỉm Sơn là giải pháp tăng thu nhập cho bà con, tạo môi trường sinh thái bền vững, mở ra hướng đi mới làm thay đổi tập quán canh tác cho người dân.

“Để nhân rộng mô hình trong thời gian tới đạt cả về năng suất, chất lượng, đề nghị Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục hỗ trợ, tập huấn xây dựng mô hình phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thị xã trong những năm tiếp theo. Khuyến khích bà con tự nguyện tham gia thực hiện, nhằm tạo sản phẩm hàng hóa đa dạng phục vụ cho tiêu thụ bền vững”, ông Quang chia sẻ.

Hướng đi mới cho bà con nông dân

Theo Trung tâm khuyến nông tỉnh Thanh Hóa, trong tình hình thực tế hiện nay, việc phát triển nuôi tôm càng xanh được xem là hướng phát triển phù hợp với nhiều địa phương trong tỉnh. Năm 2022, Trung tâm khuyến nông tỉnh phối hợp với huyện Hà Trung triển khai nuôi mô hình nuôi tôm càng xanh xen canh lúa với sự tham gia của hộ anh Trịnh Xuân Đức, Trịnh Xuân Mạnh (trú tại xã Hải Hà, Hà Trung).

Kết quả cho thấy, nuôi tôm càng xanh xen canh lúa đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho bà con. Sau 6 tháng nuôi, sau khi trừ đi các khoản chi phí, mô hình đem lại lợi nhuận kinh tế cho mỗi hộ nuôi khoảng 100 triệu đồng/ha.

Mô hình nuôi tôm càng xanh xen canh lúa mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho bà con. Ảnh: Quốc Toản.

Mô hình nuôi tôm càng xanh xen canh lúa mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho bà con. Ảnh: Quốc Toản.

Theo đánh giá của Trung tâm khuyên nông tỉnh Thanh Hóa, tôm càng xanh xen canh lúa là đối tượng nuôi nước ngọt dễ nuôi, khoẻ, tốc độ tăng trưởng nhanh, sản lượng cao, thời gian nuôi vừa phải và có khả năng nhân rộng mô hình trên địa bàn các xã của huyện Hà Trung. Hiện nay, sản phẩm tôm càng xanh đang được người tiêu dùng ưa chuộng.

"Mô hình nuôi tôm càng xanh được đánh giá cao hơn so với nuôi theo phương thức truyền thống. Từ quá trình thực hiện và tuân thủ theo kỹ thuật nuôi mà mô hình đề ra cho thấy, con giống dễ nuôi, tăng trọng nhanh, giảm chi phí thức ăn, hóa chất, kháng sinh, tăng tỉ lệ sống, tăng năng suất, hiệu quả kinh tế, ít rủi ro dịch bệnh, quyền lợi của người nuôi được đảm bảo”, báo cáo đánh giá của Trung tâm khuyến nông tỉnh Thanh Hóa chỉ rõ.

Từ hiệu quả của mô hình, Trung tâm khuyến nông tỉnh Thanh Hóa đề nghị các hộ tiếp tục thực hiện và nhân rộng mô hình nuôi tôm càng xanh xen canh lúa trong những năm tới ở các xã có tiềm năng. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, nơi có diện tích nuôi trồng thủy sản cần quy hoạch vùng nuôi tập trung nhằm tạo sản phẩm hàng hoá phục vụ cho tiêu thụ bền vững...

Theo Nông nghiệp Việt Nam

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục