Cùng hành động để gỡ thẻ vàng cho hải sản Việt Nam

(PLO)- Theo cục trưởng Cục Kiểm ngư, chương trình Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật cho bà con ngư dân.

“Chương trình Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển góp phần nâng cao nhận thức của bà con ngư dân khi khai thác trên biển một cách hợp pháp, tuân thủ quy định pháp luật...”. Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Bộ NN&PTNT, đánh giá về chương trình Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển mà báo Pháp Luật TP.HCM đang triển khai.

Nên lồng ghép với việc biểu dương sẽ lan tỏa hơn

Phóng viên: Báo Pháp Luật TP.HCM đang triển khai chương trình Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển. Báo mong muốn có sự chia sẻ, góp ý của các cơ quan, đơn vị, người dân, đặc biệt từ Tổng cục Thủy sản để chương trình hiệu quả và ý nghĩa hơn. Ông đánh giá thế nào về chương trình này?

Cùng hành động để gỡ thẻ vàng cho hải sản Việt Nam
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Bộ NN&PTNT

+ Ông Nguyễn Quang Hùng: Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển là chương trình rất ý nghĩa đối với bà con ngư dân, đặc biệt là ngư dân khai thác trên biển, vừa phát triển sản xuất vừa góp phần đảm bảo an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Chương trình góp phần nâng cao nhận thức của bà con ngư dân khi khai thác trên biển một cách hợp pháp, tuân thủ quy định pháp luật, tăng cường hiệu quả trong công tác bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.

. Chương trình dự kiến sẽ tặng quà cho những ngư dân có hoàn cảnh khó khăn...

+ Đúng là nhiều ngư dân có hoàn cảnh khó khăn và chương trình tập trung vào việc tặng quà là tốt. Đồng thời, chúng ta cũng nên tập trung biểu dương những ngư dân tuân thủ quy định pháp luật, không khai thác bất hợp pháp, khai thác một cách bền vững thì sức lan tỏa tốt hơn.

Bởi những mô hình hay, những ngư dân tốt sẽ là tấm gương điển hình cho các ngư dân chưa tuân thủ tốt noi theo. Từ đó, chúng ta phát triển ngành thủy sản bền vững, trách nhiệm, hội nhập quốc tế và gỡ cảnh báo thẻ vàng IUU. Trên cơ sở đó, vừa phát triển nuôi trồng, nhất là nuôi trồng thủy sản trên biển, vừa phát triển khai thác bền vững gắn với bảo tồn nguồn lợi thủy sản cho tương lai.

Để chương trình hiệu quả hơn, chúng ta có thể lựa chọn những tỉnh trọng điểm trong lĩnh vực thủy sản, có số lượng tàu cá lớn và còn nhiều vấn đề về khai thác bất hợp pháp.

Còn với vùng nuôi trồng thì tập trung vào các tỉnh có hoạt động nuôi trồng với sản lượng lớn, công nghệ tiên tiến, sáng kiến cải tiến kỹ thuật để khuyến khích, biểu dương bà con ngư dân tỉnh khác học hỏi kinh nghiệm.

. Ông vừa nói có hai nhóm, trong đó có nhóm là những địa phương có hoạt động thủy sản phức tạp, nhiều vi phạm, đó là những địa phương nào?

+ Hiện với những tỉnh có số lượng tàu cá lớn thì công tác quản lý rất khó khăn, phức tạp, ví dụ: Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Ninh. Chúng ta tập trung vào những tỉnh đại diện cho vùng Bắc, Trung, Nam, các tỉnh trọng điểm về khai thác thủy sản để có những hoạt động tốt hơn, chương trình lan tỏa hơn.

. Những tỉnh nào có nhiều mô hình tốt về khai thác thủy sản, nuôi trồng thủy sản tốt, bền vững?

+ Tùy theo mục tiêu chương trình nhưng tôi nghĩ có thể chọn một số tỉnh có mô hình nuôi trồng tốt, đặc biệt tập trung vào những mô hình doanh nghiệp kết hợp nông dân, ngư dân cùng phát triển nuôi trồng thủy sản phát triển kinh tế, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tốt, liên kết giữa người dân, doanh nghiệp, cơ quan khoa học, quản lý.

Những mô hình ngư dân tốt sẽ có sức lan tỏa mạnh, là tấm gương cho bà con noi theo...

Nâng cao nhận thức pháp luật cho ngư dân

. Mục đích của chương trình là muốn phối hợp cùng cơ quan chức năng trong góp phần tháo gỡ thẻ vàng IUU. Theo ông, chương trình nên tập trung vào những hoạt động nào?

Cùng hành động để gỡ thẻ vàng cho hải sản Việt Nam ảnh 2
Báo Pháp Luật TP.HCM ra mắt chương trình Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển. Ảnh: H.GIANG

+ Hiện chúng ta đang triển khai Quyết định 81 của Chính phủ về 180 ngày hành động chống khai thác IUU để gỡ thẻ vàng. Chương trình Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển của báo Pháp Luật TP.HCM có thể tập trung vào mấy vấn đề sau.

Tăng cường hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của bà con ngư dân, đặc biệt là những vùng, địa điểm, ngư dân vẫn còn tình trạng vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài, vi phạm khai thác bất hợp pháp. Chương trình có thể thông qua các hình thức tuyên truyền như tờ rơi, truyền hình, báo chí để dần dần những ngư dân này nâng cao nhận thức và tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Chương trình có thể phối hợp với các địa phương để tuyên truyền về pháp luật thủy sản, quy định về khai thác hợp pháp.

. Theo ông, chương trình có thể lồng ghép các sự kiện, nhiệm vụ nào của ngành thủy sản để có hiệu ứng lan tỏa tốt hơn nữa?

+ Tôi nghĩ chương trình nên có những hoạt động lồng ghép với chương trình của kiểm ngư và các lực lượng thực thi pháp luật trên biển để đồng hành cùng ngư dân vươn khơi bám biển.

Ví dụ: Chương trình có thể trao đổi để lồng ghép với hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của lực lượng kiểm ngư nhằm triển khai chương trình phù hợp, hiệu quả với từng vùng, từng địa phương. Đây là những hoạt động có ý nghĩa thiết thực để ngư dân thấy rằng Chính phủ, báo chí, lực lượng thực thi pháp luật luôn hỗ trợ, đồng hành cùng ngư dân.

. Xin cám ơn ông.•

Theo Luật Thủy sản, lực lượng kiểm ngư gồm kiểm ngư trung ương và kiểm ngư địa phương. Trong đó, kiểm ngư trung ương có năm vùng trải dài từ Bắc đến Nam, thực thi pháp luật ở vùng biển khơi.

Còn kiểm ngư địa phương, mỗi tỉnh dựa trên công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, có thể thành lập lực lượng kiểm ngư địa phương.

Hiện có chín tỉnh, TP ven biển trực thuộc trung ương đã thành lập lực lượng kiểm ngư địa phương. Đây là lực lượng rất quan trọng trong việc tuần tra, kiểm tra, kiểm soát thực thi pháp luật ở vùng biển ven bờ.

Theo Báo Pháp Luật

Chia sẻ:


Thu Hằng
Biên tập viên
Email: thuhang@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 - ext.214

Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục