Sổ tay hướng dẫn: Chống khai thác IUU và những khuyến nghị cần thiết khi XK thủy sản sang thị trường Hoa Kỳ

Khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đang là vấn nạn trên toàn cầu, gây ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của nghề cá toàn cầu, tổn hại đến việc bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản của cộng đồng nghề cá thế giới, gây hậu quả kinh tế và xã hội trên diện rộng.

Khai thác IUU làm suy yếu nỗ lực của các quốc gia và các tổ chức nghề cá khu vực trong hoạt động quản lý nghề cá có trách nhiệm, đồng thời ảnh hưởng đến việc các chính phủ hỗ trợ sinh kế bền vững của ngư dân và rộng hơn là vấn đề đảm bảo an ninh lương thực.

Bởi vì các hoạt động khai thác IUU rất phức tạp, nên nhiều chính phủ và tổ chức trên thế giới cùng phải tham gia để chống lại chúng, bao gồm các Quốc gia treo cờ, Quốc gia ven biển, Quốc gia có cảng, Quốc gia thị trường, các tổ chức quốc tế và liên chính phủ, ngành đánh bắt cá, chế biến, phân phối và bán lẻ, các tổ chức phi chính phủ (NGO), các tổ chức tài chính, công ty bảo hiểm và người tiêu dùng.

Hoa Kỳ là nước có lợi ích đáng kể trong nhiều nghề cá quốc tế và các hiệp định và tổ chức liên quan. Hoa Kỳ là nước dẫn đầu đầu toàn cầu về thủy sản bền vững và là một trong những nước lớn sớm tham gia vào các nỗ lực quốc tế chống khai thác IUU và gian lận thương mại, thông qua các chương trình hoạt động, các biện pháp và hệ thống pháp lý nhằm giảm thiểu hoạt động khai thác IUU, ngăn chặn các sản phẩm khai thác IUU cũng như các sản phẩm khai thác gây tổn hại đến môi trường biển và nguồn lợi thủy sản…

Trong những năm gần đây, cùng với EU, Hoa Kỳ đã có những chương trình và quy định cụ thể nhằm chống lại hoạt động chống khai thác IUU như Đạo luật thực thi chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định năm 2015, Đạo luật Bảo vệ động vật biển có vú, Chương trình an toàn cá heo, Chương trình kiểm soát nhập khẩu…theo đó có các quy định áp dụng đối với các nước có nghề cá thương mại và nghề cá xuất khẩu, các đối tượng áp dụng là sản phẩm nhập khẩu từ các nước xác định có thể có khai thác IUU hoặc khai thác ảnh hưởng đến bảo tồn động vật có vú.

Bên cạnh các quy định chống IUU và các khuyến nghị mà EU yêu cầu Việt Nam thực hiện sau khi đưa ra cảnh báo thẻ vàng IUU từ ngày 23/10/2017, thì những quy định của Hoa Kỳ cũng đang tác động không nhỏ đến việc xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường này.

Hoa Kỳ luôn nằm trong top 3 thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam, tuy nhiên những quy định khắt khe của thị trường này khiến tỷ trọng của Hoa Kỳ từ 20% những năm trước giảm xuống còn 17% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 2 năm qua. Đối với thủy sản Việt Nam và thế giới, Hoa Kỳ luôn là thị trường quan trọng, vì vậy việc duy trì ổn định và đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này không chỉ để gia tăng ngoại tệ cho đất nước mà còn khẳng định uy tín, vị thế của thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới.

Với mục đích giúp cộng đồng ngành thủy sản Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nắm bắt những thông tin, quy định quan trọng và mới nhất của thị trường Hoa Kỳ liên quan đến chống khai thác IUU, khai thác, nuôi trồng và xuất khẩu có trách nhiệm, đảm bảo các tiêu chuẩn về An toàn vệ sinh thực phẩm, Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam biên soạn và phát hành cuốn “Hướng dẫn Chống khai thác IUU và những khuyến nghị cần thiết khi xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ”.

Cuốn hướng dẫn đề cập về các khái niệm, quy định và chương trình chống khai thác IUU, bảo tồn nguồn lợi biển của Tổ chức Lương thực Liên Hợp quốc FAO, của Hoa Kỳ và Việt Nam, nhấn mạnh về các quy định và chương trình của Hoa Kỳ đang áp dụng với các nước xuất khẩu như chương trình chống khai thác IUU, chương trình SIMP, chương trình bảo tồn động vật biển có vú, đồng thời giới thiệu các quy định về ATTP mà các nhà sản xuất và xuất khẩu thủy sản phải quan tâm và tuân thủ khi xuất khẩu sang thị trường này. Qua đó, chúng tôi hy vọng đây là cuốn cẩm nang hữu ích cho cộng đồng nông, ngư dân và doanh nghiệp nhận thức và cải thiện quy trình sản xuất, chế biến và xuất khẩu, hướng tới giữ vững thị trường, gia tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ.

Để xem và tải bản tài liệu đầy đủ, vui lòng xem tại đây.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục