Dự luật IUU của Mỹ sẽ mở rộng SIMP để bao trùm tất cả thuỷ sản nhập khẩu

(vasep.com.vn) Dự luật H.R 3075 được đề xuất bởi Hạ nghị sĩ Mỹ Jared Huffman (D-California) về chống đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) và lao động nô lệ trong chuỗi cung ứng thuỷ sản đang nhận được nhiều quan tâm.
Chú thích ảnh
Dự luật H.R 3075 được đề xuất bởi Hạ nghị sĩ Mỹ Jared Huffman 

Gần đây, tại một cuộc họp của Tiểu ban Nước, Đại dương và Động vật hoang dã của Uỷ ban Tài nguyên Thiên nhiên Hạ viện Mỹ, dự  luật H.R 3075 đã được đề cập đến. Nếu dự luật này mới được thông qua thì Chương trình Giám sát Thuỷ sản Nhập khẩu (SIMP) (được khởi xướng vào năm 2016) sẽ mở rộng đối với tất cả các loài và các sản phẩm thuỷ sản. Ban đầu chương trình này áp dụng cho: cá ngừ, cua huỳnh đế, cua xanh, cá hồng, cá tuyết Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, cá heo, cá mú, hải sâm, cá kiếm, cá mập; sau đó năm 2019 là tôm. 

Với tiêu đề là “Đạo luật chống đánh bắt bất hợp pháp và chống lao động cưỡng bức”, quy định mới này sẽ mở rộng SIMP và yêu cầu các nhà nhập khẩu thuỷ sản cung cấp thêm dữ liệu vào báo cáo của họ, bao gồm vị trí đánh bắt và báo cáo điện tử của chuỗi hành trình sản phẩm, báo cáo này phải được nộp và được xác minh bởi các cơ quan có thẩm quyền tại “tất cả các điểm trung chuyển chính trong chuỗi cung ứng”.

Hạ nghị sĩ Mỹ Jared Huffman cho biết một báo cáo gần đây của Uỷ ban Thương mại Mỹ cho thấy 11% tổng kim ngạch nhập khẩu thuỷ sản của Mỹ trong năm 2019, trị giá tương đương 2,4 tỷ USD (hay 2 tỷ EUR), là các sản phẩm được đánh bắt IUU.

Ngoài việc mở rộng SIMP, dự luật cũng có phần thứ hai dành để cải thiện việc ghi nhãn thuỷ sản khi nó đã được chế biến và phân phối. Chương trình này sẽ yêu cầu các nhãn phải ghi các thông tin về:

- Nơi đánh bắt hoặc nuôi trồng thuỷ sản;

- Tên lưu hành trên thị trường, tên khoa học, và đặc biệt Số hệ thống thông tin về Khoa học Thuỷ sản và Nghề cá cụ thể cho các loài;

- Cho dù sản phẩm thuỷ sản là từ đánh bắt tự nhiên hay được nuôi trong trang trại;

- Phương pháp thu hoạc, bao gồm loại ngư cụ; 

- Ngày đánh bắt/ thu hoạch và trọng lượng/số lượng sản phẩm hoặc con hoặc lô;

- Ngày và tên nơi cập cảng;

- Tên và quốc tịch của tàu và giấy phép đánh bắt, và nếu có, mã nhận dạng của tàu;

- Tên và vị trí cơ sở nuôi trồng thuỷ sản, phương pháp nuôi trồng, nguồn và loại thức ăn, và giấy phép;

- Số giấy phép Thương mại Thuỷ sản Quốc tế của Cơ quan nghề cá NOAA cấp cho nhà nhập khẩu, nếu có.

Tại phiên điều trần của Uỷ ban, ông Huffman cũng gây áp lực với bà Janet Coit Trợ lý Giám đốc Cục Nghề cá Biển Quốc gia Mỹ (NMFS) về việc liệu NMFS có kế hoạch cập nhật định nghĩa của cơ quan này về IUU sẽ bao gồm lao động cưỡng bức không. Dự luật H.R 3075 có cập nhật định nghĩa, nhưng ông Huffman cho biết cơ quan lập pháp đã thúc đẩy NOAA cập nhật định nghĩa này nhưng không thành công. 

Dự luật của ông Huffman được đưa ra vào tháng 5, là nỗ lực mới nhất của Chính phủ Mỹ nhằm trấn áp lao động bị cưỡng bức trong chuỗi cung ứng thuỷ sản của Mỹ. Vào năm 2020, Chính phủ Mỹ đã ban hành 15 lệnh huỷ bỏ (Withhold Release Order – WRO) đối với hàng hoá và xu hướng này tiếp tục kéo dài cho tới năm 2021, với một số tàu nước ngoài và công ty thuỷ sản đã bị áp dụng lệnh WRO này.

Các chuyên gia dự đoán vào tháng 3, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) sẽ đẩy mạnh việc thực thi các lệnh này nhằm ngăn chặn lao động cưỡng bức. Điều này có thể thấy thông qua hành động của cơ quan CBP Mỹ đối với một tàu đánh bắt cá ngừ bằng câu vàng của Fiji trong tuần đầu tháng 8/2021.

Các tổ chức phi chính phủ về môi trường đã kêu gọi mở rộng chương trình SIMP như là một công cụ để ngăn chặn hoạt động đánh bắt IUU. Vào tháng 5, Oceana đã chỉ trích những hạn chế của SIMP và kêu gọi mở rộng chương trình này để bao trùm lên tất cả các loài thuỷ sản được bán tại thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp thuỷ sản đã lên tiếng phản đối bất kỳ sự mở rộng nào của SIMP, họ tuyên bố rằng chương trình này đã hoạt động không tốt trong việc giải quyết các vấn đề về khai thác IUU.

Ông Robert DeHaan, Phó chủ tịch Viện Thuỷ sản Quốc gia phụ trách về các vấn đề với Chính phủ, cho biết chương trình SIMP không chứng minh được sức mạnh của mình và khiến các công ty tốn thêm chi phí tuân thủ. Ông cho rằng có nhiều cách tốt hơn để giải quyết khai thác IUU.

Chia sẻ:


Nguyễn Hà
Chuyên gia thị trường Cá ngừ
Email: vanha@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 - ext. 216

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục