EU đóng vai trò hàng đầu trong cuộc chiến toàn cầu chống lại nạn khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Để chống lại hoạt động khai thác IUU, Ủy ban châu Âu (EC) đã ban hành quy định số 1005/20081 có hiêu lực từ ngày 01/10/210, qua đó thiết lập một thống trên toàn EU nhằm ngăn chặn và loại bỏ việc NK các sản phẩm thủy sản bị khai thác IUU vào thị trường EU. EC đang làm việc với tất cả các bên liên quan để đảm bảo việc áp dụng quy định IUU một cách chặt chẽ.
Quy định IUU của EU hạn chế việc tiếp cận thị trường EU đối với các sản phẩm thủy sản khai thác, yêu cầu phải được chứng nhận về việc tuân thủ theo luật thủy sản và các biện pháp bảo tồn, và yêu cầu xử phạt đối với bất kỳ tổ chức nào của EU tham gia vào hoạt động buôn bán trái phép thủy sản.
Quy định IUU của EU gồm 3 phần chính
Chương trình chứng nhận khai thác (Catch certificate scheme)
Quy định này áp dụng với tất cả các đội tàu khai thác cập cảng và trung chuyển của EU và của nước thứ 3 tại các cảng của EU, và tất cả các sản phẩm hải sản được xuất từ hay nhập khẩu vào EU2. Quy định này nhằm đảm bảo không có sản phẩm bị khai thác trái phép nào vào được thị trường EU.
Để đạt được điều này, quy định này đã yêu cầu các nước XK thủy sản sang EU phải chứng nhận nguồn và tính hợp pháp của các sản phẩm này, thông qua việc sử dụng giấy chứng nhận khai thác (CC). Đây được gọi là “Chương trình chứng nhận khai thác” (catch certification scheme)
Các biện pháp này nhằm đảm bảo rằng các nước tuân thủ các quy định quản lý và bảo tồn của mình cũng như các quy định khác đã được thỏa thuận trên thế giới có thể được áp dụng đối với nghề cá có liên quan. Cho đến nay, hơn 90 nước khác trên thế giới đã thông báo với EC về việc họ có các công cụ pháp lý cần thiết, các thủ tục riêng và các cơ chế hành chính phù hợp để chứng nhận các sản phẩm khai thác của các tàu mang quốc tịch của mình.
Một số quốc gia NK thủy sản nhiều nhất trong khối EU như Đức, Tây Ban Nha và Pháp đã nhận 40.000 – 60.000 chứng nhận khai thác mỗi năm, tức là từ 110 – 165 giấy mỗi ngày. Phần nhiều trong số giấy chứng nhận này là bản giấy hoặc bản scan giấy chứng nhận.
Các cơ quan thẩm quyền không thể xác minh riêng thông tin của từng giấy chứng nhận. Điều này có nghĩa đây là cách tiếp cận hiệu quả dựa trên rủi ro để xác minh chứng nhận khai thác là cần thiết, nhằm đảm bảo việc xác minh một cách chặt chẽ và nghiêm ngặt tập trung vào các sản phẩm NK có nguy cơ là các sản phẩm bị khai thác IUU cao.
Quá trình ban hành thẻ cho nước thứ 3
Phần thứ 2 quan trọng của quy định này yêu cầu các nước XK thủy sản sang EU, hay các nước cho các tàu đăng ký quốc tịch tham gia vào chuỗi cung ứng thủy sản cho EU, phải hợp tác trong cuộc chiến chống lại nạn khai thác IUU. Các nước được xác định là không có các biện pháp phù hợp nhằm đảm bảo khai thác hợp pháp sẽ bị cảnh cáo chính thức (nhận “thẻ vàng”) để cải thiện. Nếu các nước này không cải thiện, họ sẽ đối mặt với lệnh cấm XK sang thị trường EU (nhận “thẻ đỏ). Còn nếu các nước này đã có những cải cách cần thiết, họ sẽ được xóa cảnh báo (nhận “thẻ xanh”).
Theo quy định này, Ủy ban châu Âu đang xem xét kỹ để đánh giá việc tuân thủ của nước thứ 3 trong nghĩa vụ của họ về việc cấp quốc tịch cho tàu, bờ biển, cảnh biển hay tình trạng thị trường theo quy định quốc tế3.
Ủy ban đã tiến hành đối thoại với các cơ quan thẩm quyền của nước thứ 3 để đánh giá các hệ thống hiện có để chống lại nạn khai thác IUU theo các danh mục sau:
1. Sự tuân thủ của khung pháp lý của nước thứ 3 đối với các yêu cầu về quản lý và bảo tồn nghề cá quốc tế, ví dụ, đăng ký của các đội tàu, hệ thống giám sát, kiểm tra và thực thi, và các biện pháp trừng phạt.
2. Việc thông qua các công cụ quốc tế và sự tham gia vào hợp tác khu vực và đa phương, bao gồm các thành viên của Tổ chức Quản lý Nghề cá Khu vực (RFMOs) và tuân thủ các biệp pháp bảo tồn và quản lý của RFMO (ví dụ: báo cáo, các quan sát viên, và danh sách các tàu được cấp phép).
3. Việc thực hiện các biện pháp nghề cá thích hợp và bảo tồn, phân bổ các nguồn lực, và thiết lập các hệ thống cần thiết nhằm đảm bảo việc kiểm soát, giám sát và thực thi các hoạt động khai thác trong và ngoài vùng biển chủ quyền, ví dụ: một hệ thống cấp phép chính xác và danh sách cập nhật các tàu được ủy quyền.
EC cũng đã tính đến các hạn chế cụ thể của các nước đang phát triển và năng lực hiện có của các cơ quan có thẩm quyền của các nước này, đặc biệt trong việc giám sát, kiểm soát và thực thi hoạt động khai thác4.
Quá trình đối thoại cung cấp một khung làm việc cho EU để hỗ trợ xây dựng năng lực và cung cấp kỹ thuật nhằm nâng cao việc quản lý và giám sát nghề cá của nước thứ 3.
Hình phạt cho các quốc gia EU và các nhà khai thác
Điểm mấu chốt thứ 3 của quy định này yêu cầu các nước thành viên của EU xử phạt đối với bất kỳ cá nhân hay tổ chức có cơ sở tại EU nào có liên quan đến hoạt động khai thác và XNK các sản phẩm IUU, bằng các biện pháp trừng phạt hiệu quả, tương xứng và có tính ngăn chặn.
Các trường hợp liên quan gồm:
- Các tàu khai thác của EU đã tham gia trực tiếp vào hoạt động khai thác IUU, nhưng cũng có thể;
- Các tàu không mang cờ EU nhưng thuộc sở hữu của EU, hoặc;
- Các công dân EU hưởng lợi về mặt tài chính từ lợi nhuận của họ.
Quy định này cấm mọi công dân EU tham gia hoặc ủng hộ các hoạt động đánh bắt IUU dưới bất kỳ quốc tịch nào, trực tiếp hoặc gián tiếp, và quy định các biện pháp trừng phạt trong trường hợp vi phạm các điều khoản này. Trong trường hợp vi phạm, các nước EU phải áo dụng mức phạt tối đa gấp 5 lần giá trị các sản phẩm thủy sản được cho là vi phạm và gấp 8 lần giá trị các sản phẩm thủy sản trong trường hợp vi phạm lặp đi lặp lại trong vòng 5 năm.
Danh sách các nước đã và đang bị cảnh báo
Tính đến nay đã có hơn 20 quốc gia bị nhận thẻ vàng, trong đó 9 nước đã tiến hành cải cách và được hủy bỏ cảnh cáo. Bốn nước được xác định là không hợp tác, và phải nhận thẻ đỏ, có nghĩa là một lệnh cấm thương mại đối với các sản phẩm thủy sản của họ với các nước EU. Ba trong số 4 nước bị nhận thẻ đỏ là Campuchia, Guinea và Sri Lanka vẫn còn bị thẻ đỏ cho đến nay, trong khi Belize đã bị hủy bỏ.
Thái Lan hiện đang là 1 trong số những nước hiện đang bị nhận thẻ vàng của EU.
Ghi chú:
1. Quy định số 1005/2008
http://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/?qid=1408984470270&uri=CELEX:02008R1005-20110309)
2. Hiện tại quy định IUU của EU không bao gồm các sản phẩm nuôi
http://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/?uri=uriserv:OJ.L_.2011.057.01.0010.01.ENG
3. Mục 31(3) trong quy định IUU của EU
4. Mục 31(5) và 31(7) trong quy định IUU của EU