(vasep.com.vn) Liên minh Châu Âu đang dẫn đầu trong cuộc chiến chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Tuy nhiên, theo ông Virginijus Sinkevičius - Uỷ viên EU về Môi trường, Đại dương và Nghề cá vẫn còn nhiều thách thức đang ở phía trước.
Cuộc chiến chống khai thác IUU đã được tiếp thêm sức vào năm 2010, khi quy định về IUU của EU có hiệu lực. Quy định đã đưa ra một khung pháp lý duy nhất nhằm bảo vệ thị trường EU trước các sản phẩm bắt nguồn từ các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp và bảo vệ đại dương của chúng ta.
Làm thế nào có một bộ luật trở thành một công cụ mạnh mẽ để cải thiện việc sử dụng bền vững nguồn lợi thuỷ sản và quản lý các đại dương như vậy? Theo ông Virginijus Sinkevičius, trước hết quy định này được xây dựng dựa trên sự minh bạch và không phân biệt đối xử.
Quy định này của EU không thiết lập các quy tắc mới. Nó chỉ đơn giản là nhắc lại các nghĩa vụ quốc tế hiện có của các quốc gia có cảng, ven bờ, có tàu mang cờ và thị trường. Nhưng đôi khi các công cụ pháp lý không đạt được mục tiêu mà chúng hướng tới. Nhưng tại sao quy định về IUU của EU lại khác?
Bí quyết thực sự giúp cho quy định IUU của EU thành công là chương trình hợp tác đầy tham vọng thông qua đối thoại song phương với các nước ngoài EU và hệ thống chứng nhận khai thác toàn diện, nhằm đảm bảo rằng các sản phẩm bắt nguồn từ khai thác IUU không vào được thị trường EU.
Cuộc đối thoại song phương giữa Uỷ ban Châu Âu và các nước ngoài EU hoạt động theo nguyên tắc tất cả phải tuân thủ các nghĩa vụ được thực hiện theo Luật biển quốc tế.
Hợp tác nhằm khắc phục những điểm yếu đã được xác định trong hệ thống quản lý nghề cá của một quốc gia nhất định. Việc hợp tác dựa trên cơ sở hỗ trợ, hướng dẫn và tác động, thay vì các hành động trừng phạt. Mục tiêu là hỗ trợ những thay đổi tích cực đối với việc bảo tồn biển và cải thiện hệ thống quản lý nghề cá của các nước đối tác.
Chương trình cảnh báo bằng thẻ là cách tiếp cận dần dần đối với các quốc gia không tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế của mình. Thẻ vàng của EU không dẫn đến các biện pháp trừng phạt, nhưng Uỷ ban Châu Âu sẽ tham gia vào cuộc đối thoại chính thức hơn với quốc gia, đề xuất các hành động, và đảm bảo rằng một kế hoạch phù hợp sẽ được thực hiện để khắc phục những thiếu sót đã được khuyến nghị.
Đồng thời, EU đã chứng minh rằng họ sẽ không ngần ngại sử dụng các biện pháp trừng phạt, như thẻ đỏ: điều này ngụ ý rằng EC đã liệt quốc gia vào danh sách các nước không hợp tác, và những thay đổi về cơ cấu là cần thiết. Cho đến khi những thay đổi này được thực hiện, các sản phẩm thuỷ sản từ nước này sẽ bị cấm NK vào thị trường EU.
Theo ông Virginijus Sinkevičius, hệ thống thẻ màu của EU đã thu hút sự chú ý của các nước và đó chính xác là một trong những mục tiêu của EC khi thực hiện điều này. EC muốn nâng cao nhận thức của cộng đồng và các Chính phủ về tai hoạ do đánh bắt IUU gây ra và họ cần phải thay đổi.
Theo thời gian, EC đã đối thoại với hơn 60 nước, trong đó đã có 26 nước nhận thẻ vàng. Và chỉ có 6 nước trong số đó đã bị chuyển từ thẻ vàng sang thẻ đỏ do thiếu sự hợp tác.
Điều này chứng tỏ hệ thống cảnh báo bằng thẻ đã tác động đến Chính phủ nước sở tại để họ có hành động và đưa ra những thay đổi về mặt cơ cấu, bằng cách củng cố các cơ quan quản lý nghề cá quốc gia và cung cấp đầy đủ các công cụ để giám sát, phát hiện và giải quyết hoạt động đánh bắt IUU.
Hơn nữa, EU đang theo đổi cuộc chiến chống khai thác IUU ở cấp độ khu vực và đa phương. Đặc biệt là trong bối cảnh của các Tổ chức Quản lý Nghề cá Khu vực (RFMO) và Liên hợp quốc (UN)/Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), những tổ chức then chốt để thực hiện và tiến hành các biện pháp giải quyết vấn nạn này một cách hiệu quả.
Với tư cách là Uỷ viên về Môi trường, Đại dương và Nghề cá, ông Virginijus Sinkevičius cho biết ông chịu trách nhiệm đảm bảo sự hiệp đồng giữa các chính sách này cũng như với các chính sách khác của Liên minh. Tổng thống Von der Leyen đã giao cho ông thúc đẩy chính sách không khoan nhượng đối với đánh bắt IUU. Do đó, một trong những mục tiêu của nhiệm vụ của ông là đưa chính sách này trở thành một trong những ưu tiên trong chương trình nghị sự quốc tế.