(vasep.com.vn) Mùa khai thác vụ B năm 2025 của nghề cá Alaska pollock chính thức bắt đầu vào ngày 10/6 tại biển Bering, thị trường đang hướng sự chú ý đến vòng đàm phán giá giữa các nhà chế biến Mỹ và người mua Nhật Bản cho mặt hàng surimi đông lạnh. Sau 3 vụ liên tiếp tăng giá mạnh, giới phân tích và DN kỳ vọng mức tăng lần này sẽ “vừa phải”, tránh gây sốc cho thị trường vốn đã có nhiều biến động kể từ cú lao dốc năm 2023.

Từ đầu tháng 4, nhiều nhà sản xuất sản phẩm surimi tại Nhật Bản đã dự đoán giá surimi loại A – nguyên liệu chính để sản xuất thanh cua (kanikama) – sẽ tăng khoảng 30 đến 50 yên Nhật mỗi kg (tương đương 0,21 – 0,35 USD). Tuy vậy, một đại diện bán hàng của cty chế biến trên biển mong muốn tránh một đợt tăng giá quá mạnh, điều này phần nào phản ánh nỗi lo của các nhà cung cấp rằng đà tăng giá liên tục có thể làm suy yếu nhu cầu, đặc biệt là trong bối cảnh tiêu dùng tại Nhật Bản đang có xu hướng chậm lại.
Từ năm 2023 đến nay, giá surimi Alaska xuất sang Nhật Bản đã tăng liên tiếp trong 3 vụ. Vào vụ A năm 2025, mức tăng được ghi nhận là 50–60 yên/kg đối với các loại trung và cao cấp, và 20–30 yên/kg đối với các loại thấp hơn như KA và RA. Điều này diễn ra trong bối cảnh đồng yên mạnh lên đáng kể, từ mức 160 yên/USD hồi tháng 1 xuống dưới 150 vào cuối tháng 3 và duy trì quanh mốc 145 giữa tháng 5. Dù tỷ giá ngoại hối có lợi hơn, các nhà chế biến Mỹ vẫn cho biết chi phí lao động, hậu cần và vận hành tăng đã khiến họ phải cân nhắc tiếp tục nâng giá để duy trì biên lợi nhuận.
Một yếu tố quan trọng khác là áp lực cạnh tranh giữa các loại nhà máy chế biến. Trong khi các tàu chế biến trên biển có khả năng kiểm soát tốt hơn về chi phí nguyên liệu, các nhà máy ven bờ lại phải mua cá Alaska pollock với giá cao để sản xuất surimi và philê, khiến lợi nhuận của họ bị bóp nghẹt. Tập đoàn Nissui – một trong những nhà sản xuất hải sản lớn nhất Nhật Bản – đã công bố kế hoạch tăng tỷ trọng sản phẩm philê đã rút xương (pin-bone-out) thêm 5% trong năm nay nhằm đảm bảo lợi nhuận ổn định hơn, bởi mặt hàng này có xu hướng ít biến động giá hơn so với surimi.
Ngoài ra, giới chuyên môn cũng lo ngại tình hình không khả quan của vụ cá tuyết hake tại bờ Tây nước Mỹ. Mùa đánh bắt năm nay chính thức bắt đầu từ 1/5 tại Washington, Oregon và California, nhưng sản lượng đang ở mức thấp. Nếu sản lượng surimi từ cá hake thấp hơn kỳ vọng, nhu cầu surimi từ cá Alaska pollock có thể sẽ tăng vọt từ các thị trường châu Âu và Mỹ trong vụ B sắp tới.
Tại thị trường Nhật Bản, nhập khẩu surimi từ Alaska trong quý I/2025 đạt 15.500 tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá nhập khẩu trung bình đạt 363 yên/kg, tăng 21%. Riêng tháng 3, mức giá trung bình vọt lên 374 yên/kg – tăng 23% – phản ánh rõ mức giá cao đã được thống nhất cho vụ A. Tuy nhiên, đáng chú ý là lượng nhập khẩu từ Mỹ lại giảm 18% xuống còn 11.000 tấn, trong khi surimi từ Nga lại tăng vọt 180%, đạt 4.500 tấn – cho thấy sự thay đổi trong cấu trúc cung ứng toàn cầu.
Một tín hiệu khác cho thấy thị trường Nhật Bản đang tiêu thụ surimi chậm lại là tồn kho đang ở mức thấp nhất trong gần 2 năm. Tính đến cuối tháng 2, tổng tồn kho surimi đông lạnh tại Nhật – bao gồm pollock và các loài khác – chỉ còn gần 47 nghìn tấn, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tồn kho riêng của surimi Alaska pollock là gần 28 nghìn tấn – lần đầu tiên giảm xuống dưới mốc 30.000 tấn kể từ giữa năm 2023. Dự kiến tồn kho có thể tăng trở lại sau tháng 3 khi lượng nhập khẩu tăng đột biến, riêng tháng 3 tăng tới 46% so với cùng kỳ, đạt 5.500 tấn.
Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng trong nước vẫn là vấn đề. Theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu và Thông tin Thị trường Thực phẩm Nhật Bản, sản lượng các sản phẩm chế biến từ surimi tại Nhật trong tháng 3/2025 giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ còn 35 nghìn tấn – đánh dấu tháng sụt giảm thứ 3liên tiếp. Trong QI/2025, tổng sản lượng giảm 4% xuống còn 106.700 tấn. Cụ thể: chikuwa giảm 10%, kamaboko nguyên tảng giảm 7%, kamaboko chiên giảm 4% và các sản phẩm khác (chủ yếu là thanh cua) giảm 5%.
Dù giá bán lẻ các sản phẩm từ surimi đang ở mức cao kỷ lục, chi tiêu hộ gia đình (từ 2 người trở lên) dành cho nhóm sản phẩm này chỉ tăng nhẹ, phần lớn do yếu tố tăng giá thay vì tăng khối lượng tiêu thụ. Điều này cho thấy thị trường vẫn còn nhiều rào cản về sức mua, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát và chi phí sinh hoạt cao.
Các yếu tố từ chi phí sản xuất tăng, biến động tỷ giá, cạnh tranh nguồn cung với cá hake, cho tới tiêu dùng trong nước Nhật đang tạo nên một bức tranh đàm phán giá surimi khá phức tạp cho vụ B năm 2025. Dù kỳ vọng chung là sẽ có mức tăng giá nhẹ nhằm bảo vệ lợi nhuận cho nhà sản xuất, nhưng khả năng giá tăng mạnh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sản lượng vụ B thực tế, diễn biến thị trường châu Âu và Mỹ, cũng như nhu cầu tiêu dùng nội địa tại Nhật Bản trong quý tới.